Ngày 25/3/1972, phim “Bố già” (The Godfather, đạo diễn Francis Ford Coppola) chính thức phát hành, và năm nay, để kỷ niệm tác phẩm này tròn 50 tuổi, từ 25/2 bộ phim đã được chiếu lại tại các rạp trên toàn nước Mỹ, từ ngày 20/3 sẽ chiếu lại trên toàn thế giới. Câu chuyện kinh điển của “Bố già” lần nữa được giới làm phim đem ra nói lại. “Mỗi một góc quay đều kinh điển”, “thoại không chê vào đâu được”, “biểu cảm của các diễn viên đều viết rõ rằng họ xứng đáng được Oscar, mà thực sự bốn diễn viên chính của “Bố già” sau đó đều được Oscar cả”... là những bình luận được tương tác và chia sẻ phổ biến nhất.
Ngay từ khi ra đời, “Bố già” của Francis Ford Coppola (khi làm phim mới 28 tuổi) đã gây choáng váng cho thế giới điện ảnh khi nó giành tới 11 đề cử Oscar vào năm 1973, trong đó chiến thắng tại 3 hạng mục: Phim hay nhất, Kịch bản chuyển thể xuất sắc và Nam chính xuất sắc cho Marlon Brando dù sau đó ông từ chối nhận giải. Ngoài ra bộ phim còn giành được 5 giải Quả cầu vàng, một giải Grammy và nhiều giải khác. Đồng thời, nó cũng là một ví dụ đại thắng về doanh thu khi đem lại cho đoàn làm phim 243 triệu USD so với kinh phí 6 triệu USD.
Tác giả Vincent Canny của New York Times nhận định: “Tác phẩm phản ánh những góc khuất đen tối trong cuộc sống Mỹ chưa từng có trên phim ảnh”. Còn đạo diễn nổi tiếng Stanley Kubrick tin rằng: “Bố già” có lẽ là tác phẩm lớn nhất đã từng được làm, và dàn diễn viên của phim không còn nghi ngờ gì là tuyệt vời nhất.
Sau này “Bố già” được coi là một trong những tác phẩm hay nhất của lịch sử điện ảnh, nó luôn xếp ở các vị trí dẫn đầu trong các bảng xếp hạng phim hay uy tín. “Bố già” đạt 98% điểm ở cả hai mục “Giới phê bình” và “Khán giả” trên Rotten Tomatoes. Tác phẩm cũng xếp đầu bảng “10 phim gangster hay nhất”, đứng nhì danh sách “100 phim hay nhất” do Viện Phim Mỹ (AFI) lập. Trên IMDb, phim xếp thứ hai trong danh sách 250 phim có điểm số cao nhất tính đến hiện tại, với 1,7 triệu lượt bình chọn.
Câu thoại của Bố già Vito Corleone: “Ta sẽ đưa ra một đề nghị mà hắn không thể chối từ” (I’m going to make him an offer he can’t refuse) đã được bình chọn là câu thoại đáng nhớ thứ hai trong lịch sử điện ảnh Hoa Kỳ.
Những thành công này tạo điều kiện cho Francis Ford Coppola thực hiện hai phần tiếp theo, tạo nên bộ ba kinh điển: The Godfather 2 (1974) và The Godfather 3 (1990).
Bố già Corleone với câu thoại kinh điển |
Sau khi tạo chấn động cho phòng vé Việt năm 2021 với kỷ lục doanh thu 400 tỷ, phim “Bố già” (tên tiếng Anh: Dad, I’m sorry) của Trấn Thành được đem sang Mỹ và đạt doanh thu 1,08 triệu USD, cũng được coi là một con số kỷ lục của phim Việt. Song, khi phim được giới phê bình quốc tế để mắt, cũng là lúc, nó bị “vùi dập” thê thảm.
Cụ thể, mới đây trang đánh giá phim ảnh Rotten Tomatoes đã công bố điểm số mà “Bố già” nhận được dựa trên những lời nhận xét của khán giả và giới phê bình, theo đó, phim nhận được con số 98% từ khán giả đại chúng nhưng lại chỉ được giới phê bình chấm 29% với 7 bài đánh giá, trong đó có tới 5 bài dành lời chê bai và nhận xét là tệ.
“Bố già” của Trấn Thành |
“Ngay cả những nét văn hóa bản sắc của địa phương cũng không thể cứu vớt được sự drama và hài hước quá mức của bộ phim này. Các nhân vật không ngừng la hét, cãi vã khiến cho khán giả quốc tế không cảm nhận được đúng về cuộc sống của gia đình lao động Việt đương đại. Tình tiết hài cũng gượng ép, ngớ ngẩn... khi chuyển sang chính kịch lại nặng nề, bi thảm không cần thiết” (Trích từ tờ Variety).
“Tất cả những mâu thuẫn trong kịch bản đều được lồng ghép trên nền của một thứ âm thanh hài hước giúp thao túng cảm xúc của khán giả, theo một cách thảm hại nhất mà bạn có thể tưởng tượng ra được. Mọi trò đùa đều được kết thúc và nhấn mạnh bằng một nhạc điệu hết sức ngớ ngẩn” (Trích từ tờ Deadline Hollywood Daily). “Bạn cần đảm bảo có một viên aspirin bên cạnh khi xem vì có quá nhiều bạo lực, thoại như hét...” (trích từ Culture Mix).
Ở chiều ngược lại, “đứa con tinh thần” của Trấn Thành đã giành cơn mưa giải thưởng điện ảnh trong nước (trong đó có Cánh diều Vàng và Bông sen Bạc), chưa hết, “Bố già” còn được đưa vào danh sách đại diện phim Việt đi tham dự Oscar 2022 sắp tới.
Một trùng khớp nữa với “Bố già” của Francis Ford Coppola, Trấn Thành cũng đang dự định làm “Bố già” phần hai dựa trên “bản nháp” web drama “Hẻm cụt” vừa phát hành dịp Tết vừa rồi.
Những dự án phim ảnh trùng tên có vẻ đang là mốt của điện ảnh Việt, ngoài “Bố già” còn có “Người tình” (đạo diễn Lưu Huỳnh) trùng tên phim “Người tình” của Jean Jacques Annaud, chưa kể “Bóng đè” (đạo diễn Lê Văn Kiệt) trùng tên tác phẩm nổi tiếng của Đỗ Hoàng Diệu... nhưng số phận của những kẻ đi sau thường không lấy gì làm may mắn. Ngoài “Bố già” bị chê thê thảm, “Người tình” thậm chí còn không thuyết phục nổi khán giả trong nước. Riêng “Bóng đè” chưa ra rạp nên chưa biết chỉ số thành công của nó sẽ là bao nhiêu?