Tại kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa 9 vừa qua, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, ông Lê Hồng Sơn cho biết năm 2016, Bộ có công văn cho phép Sở phối hợp để thực hiện bộ SGK theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Theo đó với một nội dung chương trình, cho phép có nhiều bộ SGK ở địa phương để phù hợp đặc thù từng nơi, kể cả lịch sử, địa lý, văn hóa… Sở đã tiến hành công tác chuẩn bị. Hiện Bộ chưa có văn bản nào hủy bỏ việc cho phép TPHCM biên soạn bộ SGK riêng.
Ông Sơn khẳng định thành phố đã chuẩn bị sẵn mọi dữ liệu để biên soạn bộ SGK mới. Còn về mặt tiến độ và thời gian, Sở chuẩn bị sẵn để năm 2019 triển khai thí điểm để có đánh giá, sau đó mới hoàn chỉnh và ban hành bộ sách mới.
Chia sẻ quan điểm của mình trước ý kiến của Sở GD&ĐT TPHCM, GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành thông tư về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn SGK trong đó có tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Thông tư này đã được lấy ý kiến chuyên gia và đưa lên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT lấy ý kiến nhân dân.
“Theo tôi được biết, trong dự thảo thông tư mà Bộ đã đưa ra lấy ý kiến có quy định tiêu chuẩn đối với tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Tôi cho rằng tất cả các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp ở Việt Nam đều có thể tổ chức biên soạn SGK. Còn cơ quan hành chính nhà nước không nên biên soạn SGK” - GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay. “Nếu sở GD&ĐT nào cũng biên soạn SGK thì giáo dục phổ thông thành 63 sứ quân. Còn về tiêu chuẩn người viết SGK, theo tôi cũng chỉ nên quy định những tiêu chuẩn chung nhất, như là công dân Việt Nam, có chuyên môn phù hợp với cuốn SGK được biên soạn” - GS Nguyễn Minh Thuyết nói.
Về phía Bộ GD&ĐT, nguồn tin của Tiền Phong được biết sắp tới thông tư quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn SGK được ban hành thì chỉ những tổ chức nghề nghiệp xã hội, nhà xuất bản, cá nhân đủ điều kiện mới được viết SGK và mới được hội đồng thẩm định xem xét phê duyệt. “Về nguyên tắc, các sở GD&ĐT có thể nhờ một tổ chức xã hội, cá nhân viết SGK. Nhưng gốc của vấn đề là phải có chương trình môn học thì mới viết được. Thứ hai tổ chức, cá nhân đó phải đáp ứng đầy đủ quy định, tiêu chuẩn đối với việc viết SGK. Đồng thời, SGK đó phải qua thẩm định của hội đồng thẩm định quốc gia” - nguồn tin cho hay.
Trong khi đó, trao đổi bên lề hội thảo góp ý kiến cho Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức vừa qua, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định về mặt nguyên tắc cần hoan nghênh bất cứ nơi nào có thể tổ chức thực hiện biên soạn SGK theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng của Bộ.
Trong dự thảo quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, Bộ GD&ĐT quy định: tiêu chuẩn cá nhân biên soạn SGK là nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia am hiểu giáo dục phổ thông; có chuyên môn được đào tạo hoặc lĩnh vực công tác phù hợp với SGK đó, hoặc đã có xuất bản phẩm được xuất bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản phù hợp với SGK đó; có phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt; có trình độ đại học trở lên.
Tổ chức biên soạn SGK là nhà xuất bản và tổ chức xã hội – nghề nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; có đội ngũ tác giả biên soạn đáp ứng tiêu chuẩn quy định cá nhân biên soạn SGK ở trên.