Indonesia ngày 10/6 ghi nhận 8.892 ca mắc COVID-19 mới, con số cao nhất kể từ ngày 23/2. Tổng số ca bệnh ở nước này hiện đã lên tới 1.885.942 ca, với 52.373 ca tử vong.
Số ca bệnh ở Java và Sumatra - hai hòn đảo đông dân nhất ở đất nước 270 triệu dân - đã tăng mạnh ba tuần sau khi kết thúc kì nghỉ mừng tháng ăn chay của người Hồi giáo. Hàng triệu người đã mạo hiểm di chuyển trên khắp Indonesia, bỏ qua lệnh hạn chế đi lại.
Tại Kudus, miền trung Java, số ca bệnh đã tăng vọt tới 7.594% so với thời điểm cách đây ba tuần. Lực lượng nhân viên y tế từ nhiều nơi khác đã được điều đến Kudus để hỗ trợ. Các bệnh viện đã hoạt động tới 90% công suất.
Defriman Djafri, một nhà dịch tễ học từ Đại học Andalas ở Padang, cho biết số ca tử vong vì COVID-19 ở Tây Sumatra trong tháng Năm là cao nhất từ trước đến nay.
Ở Riau trên đảo Sumatra, số ca mắc mới hàng ngày đã tăng gấp đôi từ đầu tháng Tư, lên hơn 800 ca/ngày vào giữa tháng Năm.
Wildan Asfan Hasibuan - một chuyên gia dịch tễ học - cho rằng sự gia tăng đột biến về số ca bệnh có liên quan đến các biến chủng virus SARS-CoV-2.
Tác động của các biến chủng rất khó xác định ở Indonesia, vì quốc gia này có khả năng giải trình tự bộ gen, cũng như khả năng xét nghiệm và truy vết hạn chế.
Quá trình tiêm chủng diễn ra khá chậm chạp. Đến nay, cứ 18 người Indonesia thì mới có một người được tiêm chủng.
Dicky Budiman, một nhà dịch tễ học từ Đại học Griffith của Úc, cho biết Indonesia nên xem xét các biến chủng một cách nghiêm túc hơn - đặc biệt là chủng B.1.617.2 (Delta), được phát hiện ở Ấn Độ, mà theo ông là đang ở giai đoạn đầu của quá trình lây lan.
“Nếu không thay đổi chiến lược, chúng ta sẽ phải đối mặt với sự bùng nổ về số ca bệnh trong cộng đồng, tỷ lệ tử vong sẽ tăng lên”, ông Budiman nói.