Sinh viên Y khoa Tây Nguyên điều phối máu cứu bệnh nhân mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang phức tạp, nguồn máu trong bệnh viện khan hiếm, sinh viên y khoa trường Đại học Tây Nguyên mỗi ngày điều phối được 10 đơn vị máu hỗ trợ cho nhiều bệnh nhân cần máu để duy trì sự sống.

Thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguồn máu trong các bệnh viện khan hiếm. Các bé bị bệnh tan máu bẩm sinh, khoảng nửa tháng hoặc 7 ngày phải vào bệnh viện truyền máu là chỉ định bắt buộc để duy trì sự sống. Trước thực trạng trên, nhằm hỗ trợ công tác cứu chữa bệnh nhân trong thời điểm dịch, thành viên câu lạc bộ hiến máu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, các đoàn viên thanh niên trở thành lực lượng chính cung cấp máu.

Sinh viên Y khoa Tây Nguyên điều phối máu cứu bệnh nhân mùa dịch ảnh 1

Phước Thảo (phải) và các thành viên câu lạc bộ trong lần tình nguyện làm công tác hiến máu nhân đạo

Câu lạc bộ hiến máu nhân đạo trường Đại học Tây Nguyên gồm 70 thành viên, trong đó 10 người chuyên trách về điều phối, vận động người tham gia hiến máu. Câu lạc bộ lập một nhóm riêng “Ngân hàng máu sống”. Những dòng trạng thái của các thành viên kêu gọi bè bạn cùng nhau tham gia hiến máu được chuyển tải trên trang cá nhân, trong nhóm. Đây cũng là kênh khi người nhà bệnh nhân cần máu họ có thể liên hệ.

Sinh viên Y khoa Tây Nguyên điều phối máu cứu bệnh nhân mùa dịch ảnh 2

Mỗi tình nguyện viên sẽ tìm một người bạn để lên bệnh viện hiến máu

Bùi Trọng Thức, Chủ nhiệm câu lạc bộ hiến máu nhân đạo trường Đại học Tây Nguyên chia sẻ: “Vì tình hình dịch bệnh nên lực lượng điều phối mỏng, mỗi ngày khoảng 10 người. Mỗi tình nguyện viên sẽ tìm một người bạn, người quen để vận động lên bệnh viện hiến máu. Trước đây, tình nguyện viên lên hiến máu chỉ vỏn vẹn vài tin nhắn trong điện thoại "Mời bạn lên hiến máu!". Sau này câu lạc bộ xin được thư giới thiệu của nhà trường nên đi hiến máu thuận tiện hơn”.

Sinh viên Y khoa Tây Nguyên điều phối máu cứu bệnh nhân mùa dịch ảnh 3

Mỗi ngày câu lạc bộ điều phối được 10 đơn vị máu

Theo Bùi Trọng Thức, cách đây gần một tháng, tại khoa Sản, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, có một sản phụ mang song thai, giãn tiểu cầu không rõ nguyên nhân, nguy cơ sảy thai cao. Lúc này, Thức đang thực tập tại đây, nghe bác sĩ giải thích về tình trạng của bệnh nhân yêu cầu phải có đơn vị tiểu cầu truyền vào gấp trong ngày vì lượng tiểu cầu trong người bệnh nhân thấp phải truyền để giữ con. Thức giới thiệu cho câu lạc bộ điều phối người và may mắn tìm được một bạn có nhóm máu O hiến tiểu cầu.

Sinh viên Y khoa Tây Nguyên điều phối máu cứu bệnh nhân mùa dịch ảnh 4

Đỗ Xuân Việt làm thủ tục hiến tiểu cầu cứu sản phụ mang song thai

Biết bản thân có nhóm máu phù hợp, Đỗ Xuân Việt - sinh viên khoa Kinh tế, trường ĐH Tây Nguyên đã nhanh chóng có mặt tại bệnh viện hiến máu cứu người. “Khi đang học trực tuyến, mình nhận được tin có bệnh nhân cần máu. Ngay lập tức mình tới bệnh viện, làm các thủ tục khai báo, tầm soát để vào hiến, mong chia sẻ giọt máu của mình đến người bệnh đang cần”.

Sinh viên Y khoa Tây Nguyên điều phối máu cứu bệnh nhân mùa dịch ảnh 5

Điều phối viên Phan Thị Phước Thảo - Khoa Y trường Đại học Tây Nguyên

Điều phối viên Phan Thị Phước Thảo, K19, khoa Y dược là gương điều phối máu nhanh, nhiều người tham gia hiến máu. Chỉ cần tiếp nhận thông tin bệnh nhân, Thảo đã có dự trữ sẵn cho mình một vài bạn cùng nhóm máu với bệnh nhân và đang trên đường lên hiến. Cũng học ngành y nên Thảo hiểu sự cần thiết của máu để cứu chữa người bệnh như thế nào, máu không thể sản xuất như các dược phẩm khác mà chỉ có con người chia sẻ cho nhau.

Theo Thảo, đợt dịch này, câu lạc bộ đã pha hai nghìn chai nước muối trao tặng bệnh viện dã chiến, các chốt trực, khu cách ly. Sắp tới, câu lạc bộ tiếp tục chương trình pha nước muối, nước rửa tay để tặng các bạn sinh viên hỗ trợ tham gia chống dịch.

MỚI - NÓNG