Tình yêu với thảo dược quý
Cao Thị Việt Nga, Vùi Văn Kiên là sinh viên K57, ngành Công nghệ sinh học của ĐH Lâm nghiệp vừa tốt nghiệp ra trường. Cơ duyên mà Nga và Kiên cùng tìm đến đề tài nghiên cứu nhân giống cây Đẳng Sâm bằng kỹ thuật nuôi cấy mô in vitro từ năm 2015 là đều yêu thích các loài cây. Tìm được tiếng nói chung, hai bạn đã được thầy Bùi Văn Thắng hướng dẫn thực hiện đề tài. Vốn yêu thích các loài cây, nên khi được hỏi, Nga đã vanh vách đọc các thuộc tính của giống cây Đẳng sâm như: một năm chỉ có thể gieo trồng hạt vào hai vụ là tháng 2, tháng 3 và tháng 9, tháng 10. “Muốn gieo hạt trong tự nhiên thì phải lấy luôn hạt cây trong năm mới có thể nảy mầm. Cây giống cực tốt thì phải 3 - 5 năm mới có thể ra quả cho hạt” - Nga nói. Nga cho hay, cây Đẳng sâm hiện nay không những là một loại dược liệu quý trong các vị thuốc nam của Việt Nam mà còn là giống cây đang nằm trong sách đỏ.
Nga cho hay, từng nghiên cứu với nhiều loại cây khác nhưng thất bại. Lần này, với sự phối hợp của cậu bạn cùng lớp và thầy giáo hướng dẫn nên đã nhân giống thành công cây Đẳng sâm.
Theo Nga, cây Đẳng sâm đã được nhiều nhà nghiên cứu và nhân giống nhưng bằng cơ quan dinh dưỡng cành chồi tạo mô sẹo. Còn nhóm của Nga nhân giống bằng hạt. “Thời gian, hiệu suất công trình bằng hạt tốt hơn. Bằng chồi cành mất 90 ngày còn hạt chỉ mất 30 ngày” - Nga cho biết.
Tìm cách giảm ô nhiễm sông
Trần Xuân Trường, Đào Thị Thùy, Lê Hoàng Thanh Hà đang là sinh viên năm cuối của ĐH Lâm nghiệp (K58) đã chọn nghiên cứu các loài thực vật giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước tại khu vực Hà Nội. Với vai trò là trưởng nhóm, Trường cho hay, nhóm đã chọn các tuyến điểm ô nhiễm như sông Đáy (đoạn cầu Mai Linh), sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch, sông Bùi… tại Hà Nội.
“Chúng em đã tới các điểm sông thu các mẫu nước, về phòng thí nghiệm phân tích hai chỉ số là BOD5 (Biochemical Oxygen Demand - nhu cầu oxy sinh hoá) là lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn (có trong nước nói chung và nước thải nói riêng) gây ra, với thời gian xử lý nước là 5 ngày ở điều kiện nhiệt độ là 20 độ C) và COD (Chemical Oxygen Demand - nhu cầu oxy hóa học là lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hoá học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ). Đánh giá xem nước đó ở mức độ ô nhiễm như thế nào so với chuẩn của Việt Nam”- Trường cho hay.
Từ những thu thập đó, nhóm đã lựa chọn được 25 loài thực vật có trong môi trường nước ô nhiễm. Sau đó dùng phương pháp cho điểm đánh giá, mỗi loài thực vật đạt tiêu chí khác nhau như tiêu chí môi trường sống, thích nghi của thực vật với môi trường ô nhiễm, diện tích tiếp xúc bề mặt với môi trường ô nhiễm.
“Chúng em đã chọn được 7 loài có khả năng thích nghi, sinh sống phát triển mạnh tại vùng nước này. Còn nó có giảm thiểu hay không thì nghiên cứu phát triển sau” -Trường nói.