Sinh viên chống chọi với 'bão giá'

Bữa ăn cải thiện của Thành: một bát canh và một con cá rán
Bữa ăn cải thiện của Thành: một bát canh và một con cá rán
TP - Theo chân sinh viên ra chợ và cận cảnh những bữa ăn tại nhiều xóm trọ của sinh viên Hà Nội trong cơn bão giá, phóng viên Tiền Phong không khỏi chạnh lòng...
Bữa ăn cải thiện của Thành: một bát canh và một con cá rán
Bữa ăn cải thiện của Thành: một bát canh và một con cá rán.

Ra chợ… làm toán

Cả tuần ăn cá khô và đậu phụ đến phát ngán, sáng 9 - 12, Thành, ĐH Công nghiệp Hà Nội quyết định cho cả phòng ăn tươi một bữa. Rảo chân từ đầu chợ đến cuối chợ, Thành quyết định mua cá rô phi về rán. Cô hàng cá cân lên 2 con cá có giá 21.000 đồng. Hơi nhiều tiền, Thành bối rối xin đổi sang 2 con nhỏ hơn với giá 15.000 đồng.

Thấy Thành vẫn còn tần ngần, cô hàng cá cáu: “Thế cháu định ăn thế nào, một con to vừa vừa 10.000 đồng hay là 2 con nhỏ 15.000 đồng?” .“Sinh viên đi chợ thời bão giá, dễ phải làm toán cho các cô hàng chợ lắm, những bài toán chưa bao giờ gặp”, Thành cười bảo.

Thành còn chịu khó đi chợ chứ Thắng, ĐH Bách khoa Hà Nội (cậu bạn ở cùng phòng) quyết định chuyên tu rửa bát cho cả phòng. Nhất quyết không chịu đi chợ, Thắng lý giải: “Đi chợ cứ phải tính tính toán toán mệt đầu lắm. Tiền ít mà cái gì cũng đắt, chả biết mua thế nào”, Thắng nói.

“Để sống chung với bão giá, bọn em tự đặt ra phương châm: rẻ, nhiều, ăn no thì mua còn ngon mà đắt thì… bỏ qua. Chúng em chung thủy với rau muống, cải xoong, bắp cải, đậu phụ và cá khô”, Thái, ĐH Công nghiệp Hà Nội tếu táo.

Thành, Thắng, Thái cùng trọ một phòng ở phố Thịnh Liệt. Bố mẹ đều làm nông nên hàng tháng mỗi người chỉ được bố mẹ gửi cho 1,2 triệu đồng (bao gồm cả ăn ở và tiền tiêu vặt), vì thế để sống được trong thời giá cả leo thang cả ba đều phải chắt chiu đủ thứ. Cuối năm, giá cả tăng chóng mặt, nhiều bữa mấy đứa buồn rầu nhìn nhau, chẳng nhập tâm chuyện học hành.

Cứu trợ ngược

Thành ngồi nhẩm tính: tiền phòng và điện nước 500.000 đồng/tháng, tiền ăn 400.000 đồng/tháng, 300.000 đồng còn lại nào là vé xe buýt, điện thoại, và đủ thứ lặt vặt. Chị xem mỗi tháng chi có 400.000 đồng tiền ăn thì lấy gì mà ăn ngon với đủ chất”.

Thành chợt chùng giọng xuống: “Đợt rồi ở quê bị lũ (Thành quê Hà Tĩnh), mẹ nhận được bao nhiêu gạo và mỳ tôm cứu trợ đều gửi hết ra Hà Nội cứu đói cho con. Thương mẹ lắm, vì ở nhà mẹ cũng bị trôi hết lúa, nhưng cũng không biết làm sao, vì đong gạo ngoài này đắt đỏ lắm”.

Thái chen giọng vào: Cả 3 thằng đều gầy nên định lên kế hoạch vỗ béo để tết về bố mẹ vui lòng nhưng tình hình này thì chắc là chịu, gầy vẫn hoàn gầy thôi”.

Chung cảnh ngộ, Nguyễn Hiền Liên, ĐH Điện lực cũng kể câu chuyện sống chung với bão giá của mình đầy chật vật. Để đỡ tiền nhà, Liên chọn 1 căn phòng chưa đầy 9m2 ở Cầu Diễn (Từ Liêm) giá 300.000 đồng/tháng. Phòng ẩm thấp, chỉ cần một cơn mưa nước tràn vào phòng, mùi hôi thối nồng nặc.

“Dù thế nhưng cố chịu vì nó giá rẻ chị à. Vả lại em cũng đi làm thêm suốt để lo trang trải cuộc sống vì bố mẹ chỉ cho mỗi tháng 1 triệu đồng”, Liên nói. Để tiết kiệm, Liên thường nấu một bữa ăn cả ngày, thức ăn chủ yếu rau và đậu.

“Hôm rồi, em nghe mấy chị hàng xóm nói thực phẩm chợ đầu mối rẻ, thế là sáng sớm em lục tục dắt xe đạp ra chợ mua bao nhiêu rau và thức ăn. Nhưng em quên mất là nhà em không có tủ lạnh, rau để được vài ngày thì héo úa hết, còn thức ăn thì chuột tha tứ tung. Em tiếc lắm và cứ giận mình vì không biết tính toán gì cả”, Liên kể lại.

Miễn là no

Hơn 11 giờ trưa, căng tin KTX Mễ Trì (Thanh Xuân) vắng hoe, lác đác có vài ba sinh viên đến ăn cơm. Chủ căng tin than thở: “Mấy tháng trước, vào giờ này, sinh viên xếp hàng mua cơm ra tận cửa. Giờ giá cả đắt đỏ, mỗi suất cơm phải tăng lên vài nghìn đồng, sinh viên chê đắt không ăn, đi tìm các quán cơm bụi khác rẻ hơn”.

Tần ngần không biết nên chọn món ăn nào
Tần ngần không biết nên chọn món ăn nào.

“Đường, mỳ chính, hành tỏi cho đến gạo, thịt, cá… đều đội giá, thành ra suất cơm sinh viên cũng đành phải tăng theo”, chủ căng tin giải thích. Cô phân tích: “Một lạng thịt lợn hơn 7.000 đồng cắt thành 8 miếng, bán mỗi miếng 1.000 đồng, có lời lãi được là bao đâu”.

Một suất cơm giá 10.000 đồng được xem là suất cơm khá ngon của sinh viên gồm 1 cái nem, 2 miếng đậu nhồi thịt và một món rau xào. Còn suất cơm 7.000 - 8.000 chỉ đủ cầm hơi. 

Sống trong thời bão giá, sinh viên ở KTX thường rỉ tai nhau xem chỗ nào cơm rẻ thì ăn, không cần biết có đảm bảo vệ sinh hay không, và giải pháp là những quán cơm bụi lụp xụp. Nhiều sinh viên chỉ ăn một bữa cơm còn một bữa ăn mỳ tôm. Hôm nào dành dụm được thì suất ăn có thêm ít rau và đậu phụ ăn kèm mỳ cho đỡ nóng ruột.

Chung thủy với cơm căng tin, Nguyễn Thị Mơ, khoa văn, trường ĐH KHXH & NV Hà Nội cho rằng thà ăn ít đi một chút để được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chứ ăn cơm bụi vệ sinh, nguồn gốc thực phẩm không biết thế nào mà lần.

“Vào một số quán cơm bụi muốn ăn ngon miệng thì cứ cắm mắt vào bát cơm mà ăn chứ nếu nhìn vào bếp nấu, chỗ rửa bát của họ thì chắc là không nuốt nổi”, Tiến (ĐH Khoa học tự nhiên) nói. Nói vậy nhưng hầu như Tiến chỉ ăn cơm bụi vì rẻ. “Sinh viên là vậy, bão giá nhưng lương bố mẹ viện trợ không tăng, muốn ấm bụng và trang trải cuộc sống đành phải làm ngơ trước vấn nạn mất an toàn thực phẩm”, Tiến nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG