Bãi Bồi - hao khuyết phận nghèo - Bài cuối:

Sinh kế người nghèo, máu đổ ở bãi nghêu Khai Long

Bãi nghêu tự nhiên ven biển Mũi Cà Mau bị bao ví nuôi nghêu, gây bức xúc dân nghèo.
Bãi nghêu tự nhiên ven biển Mũi Cà Mau bị bao ví nuôi nghêu, gây bức xúc dân nghèo.
TP - VQG Mũi Cà Mau triển khai phương án nuôi sò huyết thực nghiệm tại khu bảo tồn biển đã đẩy dân nghèo ra khỏi vùng bãi biển mà bao đời nay là sinh kế của họ nên xung đột xảy ra và chưa có dấu hiệu kết thúc.

Máu đổ ở bãi nghêu Khai Long

Những ngày giữa tháng 10, bầu trời ở Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) âm u, mưa giăng mờ đục ven biển Khai Long nhưng dòng người vẫn xuôi ngược ra vào cào nghêu giống. Vợ chồng ông Sáu Tự (Trần Minh Tự), 70 tuổi, ở xóm rẫy ấp Rạch Thọ (xã Đất Mũi) vừa cào nghêu từ bãi biển Khai Long về, áo quần ướt nhẹp, da chân tay móp nhăn vì ngâm nước. “Bà con cào nghêu giống mỗi ngày được vài trăm ngàn đồng nhưng vợ chồng tôi già, sức yếu, chắc được vài chục ngàn thôi”- ông Sáu Tự nói giọng run run vì lạnh.

Từ năm 2012 cho đến nay, bãi nghêu giống tự nhiên Khai Long đã có 3 thời điểm bị người cào nghêu trái phép tràn vào với số lượng lớn từ vài trăm người đến vài ngàn người mỗi ngày. Không chỉ người dân bản địa, người dân các địa phương lân cận trong tỉnh Cà Mau và cả từ các tỉnh khác như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… cũng đến ven biển Đất Mũi để cào nghêu giống.

Ông Võ Công Trường-Chủ tịch UBND xã Đất Mũi nói: “Cứ mỗi lần có nghêu giống là tranh chấp, xung đột diễn ra phức tạp giữa người nuôi nghêu và bà con nghèo tại chỗ và cả các tỉnh lân cận đến cào nghêu trái phép”. Ông Nguyễn Văn Chào - Phó trưởng ấp Rạch Thọ cho biết, người dân cào nghêu giống xô xát với bảo vệ của HTX nuôi nghêu Đất Mũi khiến nhiều người bị thương. 

“Mâu thuẫn vẫn chưa dứt, bà con còn rình rập, lôi kéo, trả thù trả oán với nhau cũng vì xô xát trên bãi nghêu Khai Long”- ông Chào nói. Ông cho biết, khoảng 13 giờ ngày 11/10, những người bảo vệ HTX nuôi nghêu Đất Mũi đã xung đột với người dân cào nghêu giống trên bãi khoanh nuôi này. Ông Mai Văn Tó (56 tuổi), ở ấp Rạch Thọ, bị Phan Văn Vẹn (28 tuổi) bảo vệ HTX nuôi nghêu Đất Mũi, đánh bể đầu chảy máu và bầm dập một bên vai.

Ông Chào kể: “Tôi thấy ông Mai Văn Tó một tay bụm đầu, máu đỏ mặt, nói với tôi bị đánh bể đầu. Tôi hỏi thăm những người chứng kiến vụ việc cho biết, ông Tó không vào bãi nuôi của HTX nhưng có vài chục người khác vào cào trái phép, bị bảo vệ rượt đuổi. Ông Tó không chạy vì không vi phạm nhưng bị đánh oan”. 

Những người cào nghêu giống thấy ông Tó bị đánh đã quay lại, đánh trả làm cho 3 bảo vệ bị thương. Trong đó, Phan Văn Vẹn bị đánh trọng thương, phải chuyển lên Bệnh viện đa khoa Cà Mau điều trị. Ông Tó được đưa đến bệnh viện đa khoa Cái Nước và phải khâu 6 mũi trên đỉnh đầu vì bị đánh bằng cây đước làm hàng rào nuôi nghêu.

Ông Chào cho biết, sau vụ xô xát, băng nhóm của Nguyễn Việt Hồng, một tay anh chị ở địa phương có chân trong đội bảo vệ HTX nuôi nghêu xã Đất Mũi, dẫn đàn em đi từng nhà dằn mặt người dân, thậm chí ra tay “trừng trị”. “Lực lượng công an huyện Ngọc Hiển, Cà Mau đã cùng với công an xã Đất Mũi xử lý tình hình mất an ninh trật tự nhưng mâu thuẫn giữa người dân địa phương và lực lượng bảo vệ vẫn âm ỉ. Người dân rất bức xúc”- ông Chào nói.

Người nghèo bị chặn sinh kế

Bãi biển Khai Long trải dài hơn 10 km, từ VQG Mũi Cà Mau đến xã Đất Mũi. Ông Trần Minh Tự (ấp Rạch Thọ) dẫn chúng tôi lội ra bãi biển Khai Long khi nước ròng, trên bãi bồi lộ ra những cây mắm non. Phía xa xa, những chòi canh giữ nghêu như những tổ chim giữa biển nước. 

Ông Tự cho biết, những người nuôi nghêu đều là người giàu có ở xã, họ bao chiếm và cho những người nuôi nghêu ở Cần Giờ (TPHCM), Bến Tre, Tiền Giang… đến thuê gần hết bãi Khai Long. Bà con ở trong đất rừng, muốn ra biển mò cua bắt ốc cũng không còn đường chạy vỏ máy ra. Nếu vào khu vực HTX nuôi nghêu thì bị ngăn chặn, rượt đuổi.

Sinh kế người nghèo, máu đổ ở bãi nghêu Khai Long ảnh 1

Nghêu giống tự nhiên trong cát non ven biển Mũi Cà Mau.

Theo ông Võ Công Trường - Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, chính quyền xã Đất Mũi gần như không kiểm soát được hoạt động của HTX nuôi nghêu và số lượng, thành phần xã viên tham gia vào HTX này. Thực tế dễ nhận thấy là mâu thuẫn giữa họ với người dân địa phương là quá rõ. “Bà con bức xúc khi HTX bao ví phần lớn bãi nghêu giống tự nhiên ở bãi Khai Long”- ông Trường nói.

Ông Chào cho biết, ấp Rạch Thọ có 370 hộ thì có hơn 60% người dân không có đất sản xuất. Bà con sống dựa vào mò cua, bắt ốc trên biển nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Ra biển ngày nào mua gạo ăn bữa đó. Khi bãi nghêu giống Khai Long bị một số ít người có tiền, bao ví thì bà con không còn đất sống. “Lúc đầu bà con ra biển cào nghêu giống, không phải cào nghêu thịt của HTX. Xô xát xảy ra là cái cớ để bà con phá rào lấn vào sân nuôi nghêu”- ông Chào lý giải.

Còn về phía Ban quản trị HTX nuôi nghêu Đất Mũi, ông Lê Thanh Liêm - Chủ tịch HĐQT HTX nói: “Chúng tôi được thành lập, đầu tư tiền tỷ thả giống nhưng khi bị người dân cào trái phép, thiệt hại hàng chục tỷ đồng thì chính quyền làm ngơ”.

Trong khi đó, ông Lý Hoàng Tiến-Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho rằng, lợi dụng tình hình người dân cào nghêu giống đông người, những người tham gia HTX thổi phồng, đổ lỗi và tạo dư luận xấu khiến cho tình hình căng thẳng không đáng có. “Chúng tôi đang cho các cơ quan chức năng điều tra, xác minh, có đề xuất xử lý HTX nuôi nghêu Đất Mũi”-Chủ tịch Lý Hoàng Tiến nói.

Theo ông Tiến, HTX nuôi nghêu Đất Mũi hợp nhất từ 16 HTX nuôi nghêu của các ấp thuộc xã Đất Mũi. Những HTX cũ có diện tích tạm giao 431 ha. Mô hình hợp nhất này lợi dụng danh nghĩa cũ, mặc nhiên coi 431 ha tạm giao trước đây là của mình, rồi chia chác, cho thuê, bao thầu… “Việc giải thể bắt buộc HTX nuôi nghêu Đất Mũi đã có đủ cơ sở. Bởi lẽ, nếu để thì người dân nghèo ở địa phương không có cơ hội đầu tư, không được hưởng lợi, gây mâu thuẫn, xung đột” - ông Tiến nói.

Lãnh đạo UBND huyện Ngọc Hiển cho biết thêm, HTX nuôi nghêu Đất Mũi đã lợi dụng danh nghĩa hơn 1.400 xã viên là những hộ dân nghèo sống ven biển nhưng thực tế đã bao ví 180 ha bãi biển Khai Long thả nghêu giống. Những hộ dân nghèo địa phương không có điều kiện tham gia. Họ tự cho người giàu có tại địa phương hoặc người ngoài tỉnh thuê mướn lại lấy chênh lệch, trục lợi.

Chính quyền lúng túng

Sinh kế người nghèo, máu đổ ở bãi nghêu Khai Long ảnh 2

Đề án nghêu Đất Mũi không được lòng dân nghèo

Năm 2015, VQG Mũi Cà Mau triển khai nuôi sò huyết thực nghiệm với diện tích 400 ha. Trong phương án mở rộng nuôi sò huyết thực nghiệm của VQG Mũi Cà Mau, xác định mục tiêu là: “Cải thiện sinh kế cộng đồng dân cư, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững cho cộng đồng trong và ven VQG Mũi Cà Mau”. 

Tuy nhiên, thực tế VQG Mũi Cà Mau đã giao cho cho 14 tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp triển khai nuôi như Cty CP Thủy sản Hà Phát CM (100 ha), DNTN Vĩnh Lộc (100 ha), Trạm Bãi Bồi của VQG Mũi Cà Mau (50 ha), HTX Minh Chiến (30 ha)… Tương tự, đề án bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn lợi nghêu giống tự nhiên ven biển Mũi Cà Mau (Đề án nghêu) đã rời xa mục tiêu hướng đến cộng đồng dân cư trong vùng khiến nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa đơn vị quản lý, khai thác với người dân. 

Ông Châu Công Bằng-Phó GĐ Sở NN- PTNT Cà Mau thừa nhận: “Khi thực hiện, chúng tôi muốn doanh nghiệp có tiềm lực để gánh cho người dân nghèo trong vùng, nhưng thực tế họ vì lợi ích của riêng họ nên không gắn kết được”- ông Bằng nói.

Theo ông Lê Văn Sử-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: “Bà con trong vùng không tin vào cách quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên bởi cách làm không chặt chẽ, không đúng. Về phía bà con nghèo họ không giải quyết được việc làm, gây bức xúc và mâu thuẫn ngày càng sâu”. Cũng theo ông Sử, những xung đột và mâu thuẫn gay gắt giữa dân nghèo với người bao chiếm nguồn lợi nằm ngoài tầm kiểm soát của cấp quản lý. Nếu giải thể HTX, dừng các phương án thực nghiệm để trả bãi bồi lại tự nhiên, e rằng sẽ mạnh ai nấy làm.

Phóng viên Tiền Phong đặt vấn đề với ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT rằng, dự án nuôi sò thực nghiệm từ 2013 đến nay khi mở rộng hơn 400 ha liệu có đạt mục đích đề ra? Ông Bằng thẳng thắn: “Nói chung nhiều cái cũng tùm lum lắm. Bởi lẽ người dân nghèo địa phương thì không có vốn. Khi thuê mướn lao động trong vùng thì đối tác không tìm được tiếng nói chung và bất đồng nảy sinh âm ỉ. Thế nên mục đích ban đầu không thực hiện được. Theo tôi, bà con nghèo bức xúc là có lý do. Nhưng giải quyết thế nào hài hòa lợi ích hai bên là rất khó.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.