Bãi Bồi - hao khuyết phận nghèo

Chòi canh Khu vực nuôi sò huyết thực nghiệm gây tranh cãi.
Chòi canh Khu vực nuôi sò huyết thực nghiệm gây tranh cãi.
TP - Vườn quốc gia Mũi Cà Mau triển khai phương án thực nghiệm nuôi sò huyết tại Khu bảo tồn biển qui mô 30 ha, rồi mở rộng 400 ha cho “đại gia”, có vốn liếng đầu tư, bao ví cả khu Bãi Bồi Mũi Cà Mau. Dân nghèo bức bí sinh kế lén lút cào trộm sò huyết giữa đêm khuya xảy ra vụ án trộm cắp tài sản… sò huyết. 

Một bên là VQG Mũi Cà Mau hợp đồng giao khoán cho người giàu để cùng hưởng lợi. Bên còn lại là dân nghèo bị thu hẹp diện tích “săn bắt, hái lượm” trên vùng Bãi Bồi vốn là “ngư chung” bao đời nay.

Bài 1: Sóng ngầm

Nửa đêm dân nghèo quanh khu vực Bãi Bồi chạy xuồng máy vào khu vực bao ví nuôi sò huyết, cào trộm. Những người canh giữ bãi nuôi sò huyết ngăn cản. Đụng độ làm náo động vùng biển Bãi Bồi. Những người đầu tư tiền tỷ nuôi sò huyết kêu cứu, Công an huyện Năm Căn vào cuộc, khởi tố vụ án “trộm cắp tài sản” và truy tìm “sò tặc”. Thủ phạm là những  người dân nghèo trốn chạy vào ngõ cụt.

Náo động giữa đêm

Những ngày cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2016, những người dân nghèo sống quanh Bãi Bồi thuộc Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau tranh thủ đêm khuya, thủy triều xuống thấp, cào trộm sò huyết. Họ mang theo hung khí tự chế để sẵn sàng chống trả khi bị truy đuổi hoặc tự vệ khi bị ngăn cản, xô xát.

Ông Nguyễn Tấn Vĩnh, chủ doanh nghiệp Vĩnh Lộc, ở xã Tam Giang Tây (Ngọc Hiển) được VQG Mũi Cà Mau hợp đồng 100 ha nuôi sò huyết, trình báo vụ việc với cơ quan chức năng. Khoảng 21 giờ ngày 30/6, 15 vỏ máy có công suất mạnh, chở theo nhiều người, đâm thẳng vào vùng nuôi sò huyết để khai thác trái phép và khống chế người bảo vệ vùng nuôi.

Ông Nguyễn Tấn Vĩnh là một trong hai chủ doanh nghiệp được hợp đồng với  diện tích lớn, kể: “Những người cào trộm sò huyết đều là dân trong vùng nên họ không cho bảo vệ rọi đèn pin vào mặt”.

Nhiều đêm sau, như phản ứng dây chuyền lượng người tham gia cào trộm sò huyết càng đông, hoành hành trên diện rộng trước sự bất lực của lực lượng bảo vệ. Ông Nguyễn Tấn Vĩnh gọi điện thoại trình báo Công an xã Lâm Hải, Công an huyện Năm Căn và Khu bảo tồn biển VQG Mũi Cà Mau để có biện pháp ngăn chặn.

Nhưng khi lực lượng chức năng rượt bắt, những người cào sò huyết nhanh lẹ leo lên thuyền nổ máy chạy thoát vô rừng. Ông Lý Hồng Thao, Phó giám đốc VQG lệnh nổ súng chỉ thiên để giải tán đám đông.

Ông Thao nói: “Tình hình an ninh trật tự khu nuôi sò huyết ở Bãi Bồi phức tạp căng thẳng, lực lượng phối hợp với bảo vệ ở đây đành “bó tay”.

Ông Nguyễn Tấn Vĩnh, chủ doanh nghiệp Vĩnh Lộc cùng các đối tác là ông Nguyễn Minh Có, ở ấp Thứ Sáu Biển, xã Nam Thái (An Biên, Kiên Giang), ông Lê Văn Tươi, ông Giang Hoàng Nghĩa, cùng ở phường 8, ông Trương Anh Dũng, ở phường 5 và đại tá Lý Bé Tư, ở phường 6 (thành phố Cà Mau) gởi đơn yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, giám đốc Công an Cà Mau: “Chúng tôi khẩn cấp yêu cầu có biện pháp ngăn chặn hành vi cướp tài sản, gây thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng”.

 Vị đại tá về hưu Lý Bé Tư cho biết, ông chỉ hùn vốn với chủ doanh nghiệp Vĩnh Lộc mà không trực tiếp quản lý. “Việc mất mát, thiệt hại chưa thể thống kê chính xác nhưng diện tích thả nuôi đã bị quần nát”. 

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Tiền Phong, thượng tá Phạm Thanh Tuấn, Trưởng công an huyện Năm Căn cho biết: Qua điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ chúng tôi đã khởi tố vụ án “trộm cắp tài sản” xảy ra khu vực nuôi sò huyết khu bảo tồn biển VQG Mũi Cà Mau.

Khi phóng viên đến trụ sở Công an Năm Căn làm việc để tìm hiểu diễn biến vụ việc, kết quả điều tra, thượng tá Phạm Thanh Tuấn đề nghị sang Viện KSND huyện Năm Căn để nắm thông tin. Liên lạc qua điện thoại, Viện trưởng Viện KSND huyện Năm Căn từ chối cung cấp vì hồ sơ vụ án trong giai đoạn điều tra.

Được biết khu vực nuôi sò huyết thực nghiệm thuộc khu bảo tồn biển VQG Mũi Cà Mau vốn là nơi “săn bắt hái lượm” truyền thống của hàng ngàn hộ dân xã Đất Mũi, Viên An (Ngọc Hiển), Đất Mới, Lâm Hải (Năm Căn), Nguyễn Việt Khái, Rạch Chèo (Phú Tân)…

Ông Trần Đoàn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Năm Căn cho biết, thường trực UBND huyện Năm Căn có nghe báo cáo, Công an huyện đang điều tra, sàng lọc đối tượng, xử lý theo pháp luật. Nhưng theo ông Hùng nguyên nhân có thể từ chuyện: “Những người nơi khác đến bao ví diện tích Bãi Bồi nuôi sò huyết, gây mâu thuẫn, xảy ra xung đột là đương nhiên vì người dân mất môi trường sinh kế”.

Những nghi can là ai?

Sau vụ việc chấn động, ông Võ Thành Buôl ở Rạch Chèo (Phú Tân) tâm sự: “Mấy tháng nay, bà con sống quanh Bãi Bồi hoang mang, lo sợ lắm. Thanh niên trai tráng bị mời lên mời xuống, vắng cả xóm nghèo”.

Ông Lê Minh Trí, Trưởng ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khai (Phú Tân) cho biết, Công an Năm Căn đã mời hỏi 2 người ở khu tái định cư Gò Công. Khu tái định cư này nằm bên bờ sông Bảy Háp chảy ra Bãi Bồi, có hơn 60 hộ, không đất, chủ yếu mò cua bắt ốc, giăng lưới, thả câu để sống.

Nghi can Huỳnh Thanh Nhàng, 33 tuổi, cùng vợ là Lê Thị Mới dẫn 5 đứa con đi xứ khác kể từ khi Công an huyện Năm Căn đến tìm, mời hỏi.

Căn nhà ở đậu của nghi can Lê Hoàng Hải 25 tuổi, không bóng người, dột nát trong cơn mưa, tài sản là những mảnh lưới rối sau nhà. Vợ của Hải là Huỳnh Thị Trang, 24 tuổi, gởi 2 hai con nhỏ, đánh xuồng chạy ra Bãi Bồi giăng lưới hy vọng kiếm tiền mua sữa cho con.

Ông Trần Văn Cường kể: Hôm Hải bị bắt giữ và đến thu vỏ máy là tang vật vụ trộm cắp sò huyết, vợ Hải khóc nhiều lắm, năn nỉ: “Mấy chú thu vỏ máy thì bắt luôn mẹ con con đi, không có nó làm sao sống được?”.

Bà Lê Thị Hạnh bùi ngùi: “Có tội thì bị trị nhưng nghèo quá thấy tội nghiệp. Ở đây, vài ngày, thấy chủ nợ đòi tiền mua vỏ máy chửi vợ chồng nó suốt. Nay tịch thu vỏ máy coi như cụt chân luôn”.

Ông Huỳnh Văn Ba, 48 tuổi cũng là nghi can “trộm cắp sò huyết” cùng nhiều người ở đây. Ông Huỳnh Văn Ba nói: “Mình nghèo, trộm cắp, nhục lắm nhưng biết làm sao. Bãi biển giăng lưới, thả câu, mò cua, bắt ốc bị bao chiếm hết rồi”.

Bà Phù Thị Tràng- vợ ông Ba nói: “Vỏ máy đang bị công an huyện Năm Căn giữ. Giờ phải thế chấp sổ hộ khẩu, giấy CMND để vay 13 triệu đồng mua vỏ máy mới để giăng lưới kiếm sống mỗi ngày”.

Nhìn 2 đứa con gái nhỏ Huỳnh Thị Như, 11 tuổi, đang học lớp 4 và Huỳnh Thị Mơ, 8 tuổi, học lớp 1 và mấy tấm giấy khen treo trên vách nhà, bà Phù Thị Tràng lau mắt: “Không kẹt 2 đứa nhỏ học, sợ dốt như cha mẹ nó, chớ không vợ chồng tôi bỏ xứ lên Bình Dương tìm việc rồi. Làm ăn ở đây phải trốn chui trốn nhủi…”.

Phận nghèo mưu sinh

Gia đình ông Tư Mù ở khu tái định cư Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái (Phú Tân). Tự bao giờ, khu dân cư này được xếp vào “ngư tặc” Bãi Bồi Cà Mau. Vợ chồng ông Tư Mù ở xã Hưng Phú (Phước Long, Bạc Liêu), trôi dạt về cửa Gò Công đã 30 năm rồi. Bà Lê Thị Lệ - vợ ông, 54 tuổi, nói: “Bà con ở đây sống bám vào Bãi Bồi, mùa nào có con gì bắt con đó. Nay làm ăn khó khăn, người ở, người đi xa táo tác cả”.

Khu tái định cư Gò Công hơn 60 hộ, được cấp nhà, gắn liền trên đất chừng hơn 100 m2 nên bà con liệt vào những hộ không đất sản xuất, phải lặn lội ra Bãi Bồi kiếm sống. Những năm 1990, Thủ tướng Chính phủ giải tỏa việc bao ví nuôi tôm, trả lại Bãi Bồi Cà Mau cho các loài thủy sản sinh đẻ tự nhiên.

Bãi Bồi - hao khuyết phận nghèo ảnh 1

Bà Phù Thị Tràng lo bữa cơm chiều cho con, cháu sau một ngày đi biển.

Chiếc vỏ máy chở đầy người từ biển Bãi Bồi xuôi vào cửa sông Bảy Háp, bà Lê Thị Út, ở ấp Rạch Chèo, xã Rạch Chèo (Phú Tân) chỉ tay về cô gái trông còn trẻ nói: “Con nhỏ này, cũng có chồng bị giữ để điều tra vụ “cướp sò huyết”. Chồng nó đi lên Sài Gòn làm mướn, đào ống cống chống ngập gì đó, chưa có tiền gởi về, nó phải đi biển thay chồng”.


Hỏi ra, biết tên cô là Huỳnh Thị Trang, 24 tuổi. Không còn vỏ máy đi biển Bãi Bồi mò cua bắt ốc, Huỳnh Thị Trang trả tiền xăng cho người hàng xóm để ra biển kiếm sống, gởi 2 con nhỏ, đứa lên ba, đứa còn bú cho người quen.

Người chủ vỏ máy qui ước, người đi trên vỏ máy góp tiền xăng 20 ngàn đồng/người nhưng cô Huỳnh Thị Trang được “miễn” vì không bắt được nhiều như người khác. Lật giỏ sò huyết còn dính sình đất Bãi Bồi, con lớn, con nhỏ cộng lại khoảng 17- 18 con. Trang nói: “Được ít quá, người ta không mua, mang về luộc cho hai đứa nhỏ ăn cho đỡ đói”.

Chị Nguyễn Thị Thu Sơn, 38 tuổi, ở ấp Phòng Hộ, xã Đất Mới (Năm Căn) vừa bơi xuồng theo con nước lớn đẩy từ phía cửa sông Bảy Háp, vừa khóc, kể: “Bị Trạm Bãi Bồi thu mất máy, đòi đóng phạt mấy triệu đồng mới cho chuộc lại. Lấy đâu! Không có tiền mua gạo cho mấy đứa nhỏ thì lấy đâu ra tiền chuộc?”.

Chị Sơn kể, chồng bỏ vì nghèo quá nên một mình nuôi 2 đứa con. Nghề kiếm sống là cào tôm cá dạng thủ công. Chiếc cào bằng lưới, có miệng cào bằng thanh gỗ mắc vào mũi vỏ chạy máy để bắt cá tôm. Trạm Bãi Bồi thu máy nên giờ chỉ dùng tay mò, bắt...

Ông Lê Văn Trí, Trưởng ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái (Phú Tân) nói: “Tôi không thống kê nhưng bà con đến yêu cầu xác nhận để đóng phạt chuộc tài sản vi phạm khai thác khu vực Bãi Bồi, không có sổ hộ nghèo bị phạt 7,5 triệu đồng, có sổ hộ nghèo giảm còn 5 triệu đồng để chuộc phương tiện vi phạm”...

         ___________

   (Còn nữa)

Ông Nguyễn Việt Bắc, Chủ tịch UBND xã Lâm Hải (Năm Căn) cho biết, xã Lâm Hải có 275 hộ nghèo, chiếm chủ yếu ở các ấp ven biển Bãi Bồi, không đất sản xuất, sống bằng mò cua bắt ốc. 400 ha Bãi Bồi bị bao chiếm khiến sinh kế của họ bị đảo lộn.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.