Siêu thị TPHCM 'căng mình' phòng dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Lấy mẫu cho nhân viên siêu thị để rà soát COVID-19
Lấy mẫu cho nhân viên siêu thị để rà soát COVID-19
TPO - Trước tình hình dịch tấn công kênh phân phối hiện đại, các siêu thị tại TPHCM tập trung triển khai hàng loạt biện pháp phòng dịch COVID-19.

Trường hợp siêu thị tạm ngưng hoạt động mới đây nhất là Mega Market An Phú (phường An Phú, TP Thủ Đức). Siêu thị này thông báo tạm ngưng hoạt động từ ngày 29/6 cho đến khi có thông báo mới, nguyên nhân do nhân viên làm việc tại siêu thị nghi mắc COVID-19.

Theo MM Mega Market Việt Nam, sức khỏe và an toàn của toàn bộ nhân viên và khách hàng cũng như cộng đồng là ưu tiên hàng đầu của hệ thống này. Ngay khi phát hiện ca nghi nhiễm, siêu thị đã kịp thời tiến hành các biện pháp cần thiết như khử khuẩn toàn bộ Mega Market An Phú nhằm kiểm soát tình hình.

“Trước đó, vào ngày 25/6, toàn bộ nhân viên bán hàng tại khu vực Thành phố và nhân viên khối văn phòng của MM Mega Market đã được tiêm vắc-xin phòng COVID-19” – đại diện hệ thống này nói và cam kết sẽ luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế và cơ quan y tế địa phương về phòng, chống dịch COVID-19.

Siêu thị TPHCM 'căng mình' phòng dịch COVID-19 ảnh 1

Siêu thị làm vách che tại quầy thu ngân

Theo khảo sát, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại TPHCM đã tăng cường các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Cụ thể, tại 18 siêu thị VinMart và gần 500 cửa hàng VinMart+ tại Thành phố đã cho nhân viên hỗ trợ khách hàng rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, đo nhiệt độ trước khi vào mua sắm; giãn cách tối thiểu 2m kể cả trong khu mua sắm lẫn khu tính tiền; lắp đặt vách ngăn giữa nhân viên thu ngân với khách...

Hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra thực hiện phân luồng, hướng dẫn khai báo y tế và điều tiết khách hàng ngay từ cổng vào, tránh tình trạng khách vào siêu thị quá đông, không đảm bảo giãn cách. Riêng các siêu thị AEON thì ngoài thực hiện 5K còn tăng tần suất vệ sinh sát khuẩn từ 2 lần/ngày 4 lần/ngày.

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, trong đợt dịch này hệ thống bán lẻ một lần nữa kích hoạt chế độ chống dịch và có phần nâng cao mức độ kiểm soát các quy định phòng dịch tại hệ thống do đợt tái dịch bệnh có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn những lần trước.

Siêu thị TPHCM 'căng mình' phòng dịch COVID-19 ảnh 2

Tư vấn trước khi tiêm vắc-xin cho nhân viên siêu thị Co.op Mart

Cũng theo Saigon Co.op, do phải mở cửa xuyên suốt phục phục vài trăm ngàn lượt khách hàng/ngày nên hệ thống bán lẻ dù đã tuân thủ hết sức nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, nhưng cũng không thể tránh khỏi những nguy cơ nhất định. Vì vậy, khi có thông tin có ca nghi nhiễm cần truy vết có liên quan đến siêu thị, các điểm lẻ sẽ chủ động tạm dừng hoạt động và ngay lập tức phối hợp các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá, xử lý hàng hóa và sau đó khử trùng toàn bộ không gian mua sắm, xét nghiệm nhân viên. Sau khi đủ tất cả các điều kiện an toàn thì nhanh chóng hoạt động trở lại phục vụ người dân.

Ngoài ra, hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở TPHCM đều có kênh bán hàng online, bán hàng qua điện thoại, zalo và dịch vụ đi chợ giúp... Với các siêu thị, tăng cường và nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng online cũng là cách để giảm khách đến mua hàng trực tiếp, hạn chế tập trung đông người, phòng chống dịch bệnh. Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), ngoài siêu thị, còn có gần 200 cửa hàng tiện lợi (Satrafood).

Siêu thị TPHCM 'căng mình' phòng dịch COVID-19 ảnh 3

Hàng hóa đảm bảo tại các quầy kệ

Đại diện Ban quản lý Hệ thống bán lẻ Satra cho biết, hệ thống đã tăng cường bán hàng qua trực tuyến online, triển khai phương án G1 - hình thức đi chợ hộ cho người dân. Người mua chỉ cần tải app về và đặt hàng trên đó sẽ có đội ngũ nhân viên đi mua đồ giúp. Hoặc thông qua Zalo, số hotline cũng có người đi chợ hộ, lượng đơn hàng hệ thống nhận hiện nay tăng 50%, doanh thu tăng 30%.

Mới đây, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng đã văn bản chỉ đạo về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại hệ thống phân phối trên địa bàn. Theo đó, Sở đã giao UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra công tác triển khai Bộ tiêu chí tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn. Trường hợp những đơn vị không thực hiện thì tiến hành tạm dừng hoạt động để thực hiện việc tự đánh giá và có phương án khắc phục (nếu không đảm bảo các tiêu chí).

TPHCM có 237 siêu thị và gần 2.800 cửa hàng tiện lợi. Trước tình hình dịch bệnh diện biến phức tạp, TPHCM cho dừng hoạt động chợ tự phát nên nhiều người cũng chuyển sang mua hàng online, qua điện thoại, zalo... của các kênh phân phối hiện đại này. Hiện nay, các hệ thống siêu thị đều dự trữ nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu tăng từ 40% so với trước, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng từ 3-6 tháng tới.

MỚI - NÓNG