Trái với cảnh đông đúc hơn bình thường tối 18/7, sáng 19/7, tại các siêu thị, các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội, các mặt hàng thiết yếu dồi dào, đầy ắp kệ, người mua cũng không quá đông, có thể chọn mua thoải mái, không lo hết hàng.
Ghi nhận ngày 19/7, tại 2 siêu thị BRGMart tại địa chỉ 89 Bùi Ngọc Dương (quận Hai Bà Trưng) và Tòa nhà Ecohome 3 (quận Bắc Từ Liêm), toàn bộ hàng hóa, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu đã được bổ sung đầy ắp kệ, lượng người mua thưa thớt, thậm chí còn vắng hơn cả ngày bình thường.
Hàng hóa tại hệ thống siêu thị của BRG đầy đủ sau khi đông đột biến vào tối 18/7 |
Rau xanh ngập các quầy hàng sáng nay, giá cả không tăng |
Ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH bán lẻ BRG (BRG Retail) cho biết, ngay trong chiều 18/7, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đã họp khẩn với các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối và nhà sản xuất lớn ở Hà Nội để tăng cường công tác chuẩn bị hàng hoá phục vụ giãn cách xã hội.
Công ty BRG Retail đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng dự trữ hàng hóa tại từng điểm bán lên khoảng 300% và tăng gấp 10 lần tại kho hàng trung tâm. Trong đó, tập trung chủ yếu vào nhóm 13 mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá, gồm: gạo, thịt gà, trứng gà, thực phẩm chế biến, đồ hộp, thủy hải sản đông lạnh, bún, mì, phở ăn liền, dầu ăn, gia vị, rau, củ, quả…
“Đến thời điểm tối 18/7, mức bán hàng tại hệ thống BRG Mart tăng gấp 2 lần, nhưng do công tác chuẩn bị tăng gấp 300% hàng hoá thiết yếu nên hàng hoá vẫn dồi dào và đủ cung ứng cho người tiêu dùng”- ông Dũng cho hay.
Hàng hóa tại siêu thị Vinmart 281 Đội Cấn khá dồi dào |
Nhiều mặt hàng vẫn giảm giá mạnh |
Hình ảnh siêu thị sáng 19/7 |
Tại chợ Ngọc Hà (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình), không có hiện tượng đổ xô đi mua sắm. Ban quản lý chợ và tổ bảo vệ thường xuyên đi nhắc nhở người mua hàng, các tiểu thương thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế |
Tổ bảo vệ đo nhiệt độ cho các tiểu thương trước ngày bán hàng |
Hình ảnh sạp bán thịt tại chợ Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình |
Đội Quản lý thị trường số 3 (quận Ba Đình) đến kiểm tra giá các mặt hàng thiết yếu tại chợ Thành Công |
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, trước những "cơn sốt ảo về hàng hóa" như ngày hôm qua tại Hà Nội và những tuần trước tại TP.HCM, cần rút ra những bài học về tổ chức tốt, hiệu quả hệ thống phân phối của mình bao gồm các chợ dân sinh, chợ đầu mối hệ thống siêu thị trung tâm thương mại siêu thị mini …
Theo chuyên gia Phú, bài học đầu đầu tiên đó là tổ chức nguồn hàng cho hệ thống phân phối thành phố, phải đảm bảo lên tục đều đặn không đứt gãy bởi những trở ngại của việc phòng chống dịch tên các cung đường vận chuyển đến thành phố, tạo những luồng xanh vận chuyển liên tục hàng hóa đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu tiêu dùng của nhân dân.
Bài học tiếp theo là bài học về dự trữ ở khâu lưu thông: Với sức mua và khối lượng tiêu thụ lớn hàng ngày thì hệ thống bán lẻ nói chung không thể không có cơ số dự trữ hàng hóa nhất định nhất là các mặt hàng thiết yếu. Dù dự trữ ở chợ đầu mối hay kho hàng ở các đơn vị bán lẻ với một lượng hàng nhất định để có thể tổ chức bán ra đều đặn không bị đứt quãng như đã xảy ra những ngày qua là một điều rất cần thiết.
Bài học thứ 3 là bài học về công tác quản lý thị trường trong khi có dịch: các lực lượng công an kinh tế, công an giao thông quản lý thị trường tài chính giá cả cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc tổ chức kiểm tra kiểm soát thị trường có trọng tâm trọng điểm, bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đầu cơ tăng giá lợi dụng khi có dịch để kiếm chác lợi nhuận một cách phi pháp.