'Siêu đô thị' sôi động bậc nhất vẫn khoác áo búp bê Nga đồng hạng

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)
TPO - Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng "thật khó để hình dung, với một siêu đô thị sôi động bậc nhất cả nước, nhưng mô hình chính quyền lại được khoác chiếc áo búp bê Nga đồng hạng, như một chính quyền nông thôn".

“Chiếc áo thể chế chật chội”

Sáng 12/11, cho ý kiến tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình với việc cần thiết ban hành Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng), tổ chức chính quyền đô thị đã có quy định rất cụ thể, đây là cơ sở ủng hộ chủ trương thực hiện ngay mô hình này mà không cần thí điểm. Chủ trương này cũng góp phần tinh gọn bộ máy chính quyền, bảo đảm sự liên thông, điều hành thống nhất, linh hoạt, phù hợp với đặc thù của địa bàn “siêu đô thị”.

Tuy nhiên theo đại biểu, điều đó cũng đặt ra yêu cầu về vai trò và cơ chế giám sát của cơ quan dân cử cấp thành phố. Đại biểu Vang đề nghị xem lại cơ cấu đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố phải đủ lực, đồng thời tăng thêm số lượng, chất lượng đại biểu hoạt động chuyên trách.

“Thật khó để hình dung, với một siêu đô thị sôi động bậc nhất cả nước, nhưng mô hình chính quyền lại được khoác chiếc áo búp bê Nga đồng hạng, như một chính quyền nông thôn”, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) ví von, đồng thời cho rằng, chính họ chứ không ai khác, hiểu rõ nhất những bất cập của “chiếc áo thể chế” chật chội đang khoác trên thể trạng của thành phố hiện nay.

Tuy nhiên, từ việc không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường, theo ông Nhân, để quyền lực được giám sát chặt chẽ, các cơ quan được quy định thực hiện quyền giám sát phải tích cực, tăng cường hoạt động. Do đó, kết quả giám sát của các cơ quan, tổ chức, các đại biểu dân cử, kể cả đại biểu Quốc hội là những căn cứ quan trọng để đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận thay cho quy định quyền lấy phiếu tín nhiệm của Hội đồng nhân dân thành phố, tránh gây những tranh cãi không cần thiết.

Sau 3 năm sẽ tổng kết

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, mô hình này đã được lãnh đạo Thành phố cũng như các tầng lớp nhân dân quan tâm từ nhiều năm và đến nay đã thực sự chín muồi. Bà cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện thí điểm Hội đồng nhân dân thành phố đã phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân.

“Có nhiều giải pháp, có nhiều biện pháp, cách làm mới, sáng tạo để không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, huyện, phường nhưng quyền làm chủ của nhân dân vẫn được phát huy tốt”, bà Tâm cho hay.

Giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 6 năm thực hiện mô hình thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện, quận, phường và đã tổng kết việc thí điểm này. Việc không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường là có tính hiệu quả.

Do đó, lần này đã ban hành nghị quyết cho Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện mô hình này luôn chứ không thí điểm.

“Dù là thí điểm hay không thí điểm thì Chính phủ vẫn đề nghị sau một thời gian, khoảng 3 năm sẽ tiến hành sơ kết. Trong thời gian thực hiện thấy cần điều chỉnh sẽ tiếp tục đề nghị Quốc hội điều chỉnh”, ông Tân cho hay.

Về đề xuất tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, theo Bộ trưởng, dự thảo nghị quyết có nêu 2 phương án: Vẫn giữ theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và tăng số lượng đại biểu chuyên trách của Thành phố Hồ Chí Minh. Trước phần lớn các đại biểu đề nghị tăng số lượng chuyên trách, ông Tân mong muốn Quốc hội ủng hộ phương án này.

Về vấn đề thành phố trực thuộc thành phố, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề án thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, trong dự thảo nghị quyết đã bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức.

MỚI - NÓNG