Theo Trung tâm dự báo Khí tượng và Thủy văn quốc gia, vào lúc 10 giờ ngày 19/12, vị trí tâm bão Rai ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, cách Bình Định - Phú Yên khoảng 210km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-185km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 200km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc sau đổi hướng Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 10 giờ ngày 20/12, vị trí tâm bão ở khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (120-150km/giờ), giật cấp 15.
Vùng biển phía Tây của khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-15, giật trên cấp 17; sóng biển cao từ 9-11m; biển động dữ dội. Khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; riêng vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6-8m; biển động dữ dội.
Ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, trong ngày và đêm nay (19/12), trên đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7; ven biển các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Do sức ảnh hưởng của siêu bão Rai rộng, cường độ mạnh, hiện các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận chuẩn bị sơ tán khoảng 305.232 người dân. Trong đó trên các đảo gần bờ là 2.356 người (Lý Sơn 205 người; Cù Lao Chàm 1.090 người; Cồn Cỏ 70 người; Phú Quý 991 người). Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã sơ tán 54 hộ/213 người ở TP Quảng Ngãi đến nơi an toàn. Ngoài ra, trong khu vực có 15 dàn khoan trên biển, có quy mô lớn với hàng nghìn lao động, các nhà giàn đã có phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Đáng chú ý, hiện vùng biển ngoài khơi Thừa Thiên Huế - Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6-8m; biển động dữ dội gây nguy cơ cao mất an toàn, sạt lở đến các các đê biển. Hiện, các có 713 km đê biển, đê cửa sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận còn tồn tại 44 trọng điểm, vị trí đê điều xung yếu và 15 công trình đê, kè đang thi công dở dang. Đặc biệt, khu vực ven biển miền Trung hiện có 129 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài khoảng 170km.
Tính đến sáng ngày 19/12, các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 58.720 tàu/298.360 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động tránh trú. Đến nay, toàn bộ các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã tổ chức cấm biển.
Ông Vũ Xuân Thành cho biết, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đang tiếp tục yêu cầu các địa phương theo dõi chặt diễn biến của bão số 9, gió mùa Đông Bắc và tình hình mưa lũ nhất là tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, đồng thời, kêu gọi tàu thuyền di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, tùy theo diễn biến của bão hoặc vào nơi tránh trú, nhất là các tàu đang ở tại khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa.