Tàu neo ngay giữa biển và chờ bão từ từ tiến vào. Đứng trước viễn cảnh kinh khủng đó, người thân của ngư dân ở nhà đều như ngồi trên đống lửa. Chiều 18/12, chúng tôi tiếp tục quay trở lại làng chài để ghi lại những khoảnh khắc mà ngư dân nói rằng 1 ngày dài như chục ngày. “Anh em thả dù rồi, 4 chiếc thả trôi và chờ thôi…”, qua tần số 8.5-14.00 USD, tiếng ngư dân Trần Hải, thuyền trưởng tàu cá QNg 97698 TS nói vọng về qua chiếc máy Icom chỉ huy đặt tại nhà của chị Trần Thị Ẩm ở thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi.
Ngay cả những người từng trải mấy chục năm sóng gió trên biển, mỗi khi nghe cụm từ “thả dù” cũng phải lo âu, hồi hộp. “Dù” là chiếc neo nổi, giống chiếc dù phi công, được ngư dân ném xuống biển và bung rộng trước mũi tàu để neo tàu trong tình huống khẩn cấp, nhất là bão tố. Ngư dân bung dù thường khi neo tàu ở vùng biển có độ sâu hàng ngàn mét, sâu thăm thẳm.
Thuyền trưởng Trần Văn Xin tham gia trực máy Icom của nhóm đánh bắt ngoài khơi đang dông bão thông báo thêm: “Anh em neo sát nhau và chắc mọi việc sẽ ổn”. Dù nói là ổn, nhưng trước khi tôi rời căn nhà này thì anh Xin bỏ lửng lơ câu nói về việc tàu cá không thể chạy kịp vào bờ, ngư dân neo ngay eo bão và nếu bão đột ngột đổi hướng, rẽ ngoặt ra hướng đông thì mọi thứ sẽ tệ hại.
Bão Rai có cường độ giật cấp 17 và hiện đi khá nhanh vào Biển Đông. Bà con ngư dân đánh bắt ở quần đảo Trường Sa chạy ngay về các âu tàu để tránh trú bão. Còn tại quần đảo Hoàng Sa, chạy vào bờ không kịp, nên một số ít ngư dân bàn nhau chạy vào các cảng biển ở đảo Phú Lâm, Đá Hải Sâm, Quang Ảnh, đảo Cây để xin tránh trú bão. Tuy nhiên không phải ngư dân nào cũng dám chạy vào những hòn đảo mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm từ năm 1974. Nên nhiều tàu của ngư dân xã Nghĩa An thay vì chạy vào thì lại chạy ngược ra hướng giữa Biển Đông, neo lại ngay tại vị trí “eo” mà cơn bão sẽ đi qua và bẻ quặt hướng.
Mười một tàu cá của ngư dân xã Nghĩa An với hơn 100 ngư dân đang neo ngay vùng eo dự kiến bão RAI sẽ đi qua Ảnh: Hà Anh (chụp qua màn hình điện thoại) |
Tại ngôi nhà của hai thuyền trưởng Trần Hải và Đặng Võ, hai người vợ là chị Nguyễn Thị Thiếu và Trần Thị Lơ đi lại trong ngôi nhà vắng vẻ, thỉnh thoảng thốt lên, “chu cha, không ngủ được, lo lắm, mỗi tàu cá là 10 gia đình, 10 con người ta!”. Giọng hai người vợ không giấu được nỗi lo quặn thắt. Các chị cho biết, ngày 14/12 có cả loạt tàu làm nghề đánh lưới chuồn ở địa phương ra khơi mở biển, nhưng sau đó quay ngay vào bờ vì nghe tin bão. Chấp nhận mỗi chủ tàu ôm thêm cục nợ mấy chục triệu tiền dầu, chưa kể tiền lương nghề biển phải trả 300 ngàn đồng/ngư dân đi bạn/ngày (mỗi tàu 9-10 ngư dân đi bạn).
Chị Nguyễn Thị Thiếu vợ thuyền trưởng Trần Hải cầu mong chồng con thoát khỏi cơn bão dữ |
Trên màn hình điện thoại cảm ứng trước mắt tôi hiển thị 11 tàu cá đang neo gần nhau giữa Hoàng Sa “đợi” siêu bão Rai. Ông Huỳnh Văn Minh, cán bộ Nghiệp đoàn nghề cá ở địa phương cho biết, ở xã Nghĩa An, ngư dân đi đánh lưới chuồn khơi tự thành lập các tổ, nhóm đánh bắt. Bình quân cứ 8-10 tàu tự liên kết thành một nhóm, tự soạn thảo các quy ước để mỗi thành viên tham gia, từ việc tổ chức cứu nạn, hỗ trợ nhau. Mấy ngày qua, nhiều tàu cá đã rời đảo Bom Bay, quần đảo Hoàng Sa để vào bờ gần hết, còn chiếc tàu cá của ông Đặng Võ (QNg 92488 TS) là người cùng nhóm thì vẫn thả neo dù trụ lại và không thể chạy nổi vì gió lớn đã ập tới rồi.
Tại sao khi có bão Rai thì 11 tàu cá không quay ngay về đất liền? Từ ngoài khơi, ngư dân Nguyễn Thanh Vũ, thuyền trưởng tàu cá QNg 92288 TS cho biết, ban đầu thì vẫn chưa rõ là hình thành bão ra sao, còn khi bão vào Biển Đông thì anh em đang ở cách quá xa đất liền, nằm ngược hướng gió lẫn hướng nước. Nếu tàu bắt đầu chạy ngay vào bờ thì tốc độ di chuyển ngược này chỉ đạt mốc khoảng 1-2 hải lý/giờ. Với phương án này sẽ thua bão đến nửa đường, nên phải đi dạt ra mãi tọa độ 18 độ, 63 phút vĩ độ bắc – 117 độ 30 phút kinh độ đông nơi “eo” bão.
Câu cuối cùng tôi được nghe các ngư dân nói nhỏ trước khi rời đài canh, “cầu mong bão sẽ không đổi hướng đột ngột, mới trưa nay nơi neo đậu đã giật cấp 8 rồi”.
TT-Huế: Lệnh cấm biển có hiệu lực từ sáng 18/12
Ngày 18/12, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh TT-Huế phát lệnh cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt cá, đồng thời yêu cầu các địa phương lên phương án sơ tán dân để ứng phó bão số 9, chủ các hồ chứa vùng thượng nguồn cũng nhận lệnh khẩn xả nước phòng lũ.
Đến chiều cùng ngày, tỉnh TT-Huế hoàn tất kêu gọi hơn 2.000 tàu thuyền đánh bắt trên biển vào bờ an toàn, lệnh cấm biển có hiệu lực kể từ sáng 18/12. Các huyện, thị xã, thành phố đã lên phương án, kịch bản di dời người dân vùng xung yếu, nguy hiểm ven sông, biển, đầm phá, vùng thấp trũng, khu vực sạt lở. Đến chiều 18/12, UBND các huyện, thị xã và TP Huế đã có báo cáo phương án sơ tán, di dời dân ứng phó với bão số 9. Trong đó, di dời xen ghép gồm 19.623 hộ, 55.788 khẩu; di dời tập trung 8.374 hộ, với 30.725 khẩu. Dự kiến công tác sơ tán dân sẽ triển khai kể từ chiều 19/12.
Ngọc Văn