Tín hiệu phát đi này cho thấy nhà điều hành sẽ kiểm soát chặt chẽ các khoản cho vay kinh doanh bất động sản trước tốc độ tăng trưởng nóng năm vừa qua.
Tăng nóng nên phải siết
Đến cuối tháng 9/2015 dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chiếm 8,05% tổng dư nợ tín dụng, tương ứng là 358.377 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt 14,59% (cao hơn khoảng 2,5% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung 9 tháng đầu năm 2015). Tác động chính của văn bản này là kiểm soát và thu hẹp tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản.
Cụ thể NHNN điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đối với: NHTMCP – giảm từ 60% xuống còn 40%; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài – giảm từ 60% xuống còn 40%; Các tổ chức tài chính phi ngân hàng – giảm từ 200% xuống còn 80%; Ngân hàng hợp tác xã – giảm từ 60% xuống còn 40%.
Trong bản Báo cáo của công ty chứng khoán HSC nhận định về văn bản dự thảo này, HSC viết: “NHNN cảm thấy cần phải bắt đầu kiểm soát vấn đề rủi ro thanh khoản. Tác động của quy định này có thể sẽ giới hạn dòng vốn chảy vào cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản vốn đã tăng trưởng khá mạnh trong năm qua. Đây thường là những khoản cho vay trung dài hạn”.
Một điều chỉnh nữa của NHNN là nới rộng quy định về tỷ lệ tối đa mua, đầu tư Trái phiếu Chính phủ (TPCP) so với nguồn vốn ngắn hạn đối với một số đối tượng ngân hàng. Cụ thể, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng từ 15% lên 35% (bằng với mức trần áp dụng cho các NHTM, ngân hàng liên doanh và ngân hàng 100% vốn nước ngoài); Ngân hàng hợp tác xã giảm nhẹ từ mức 40% xuống còn 35%. “Động thái sửa đổi này là rất hợp thời bởi Chính phủ cũng sẽ cần phải gia tăng nguồn vốn huy động dài hạn thông qua kênh phát hành trái phiếu và sẽ có một lượng cầu mới về TPCP phát sinh từ việc thay đổi tỷ lệ này”, HSC dự báo.
Nâng tỷ trọng rủi ro
Một sửa đổi được cho là tác động tới nhiều doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng là nâng tỷ trọng rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250%.
Các khoản cho vay kinh doanh bất động sản bảo gồm: các khoản cho vay đối với các chủ đầu tư bất động sản và các khoản cho vay đối với các cá nhân/ tổ chức khác có nhu cầu mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua bất động sản để bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua nhằm mục đích sinh lợi.
Định nghĩa này sẽ không bao gồm các khoản cho vay để mua nhà ở theo các chương trình, chính sách của Chính phủ và các khoản cho vay mua nhà trả góp/sửa nhà.
Dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản (cho vay chủ đầu tư dự án bất động sản hoặc cho vay các cá nhân đầu tư kinh doanh bất động sản) đã tăng 15,59% trong vòng 9 tháng đầu năm 2015 và cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của toàn ngành là 2,5%. Trong khi đó, tổng dư nợ kinh doanh bất động sản cũng chiếm 8,05% dư nợ tín dụng toàn ngành. Theo đó, HSC phân tích: “Việc nâng cao tỷ trọng rủi ro rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận vốn các chủ đầu tư bất động sản trong năm nay và cũng sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu mua nhà ở các dự án mà phân khúc người mua chủ yếu là các đối tượng đầu cơ”.
Cuối cùng, theo HSC, quy định này sẽ khiến các chủ đầu tư dự án bất động sản lớn có thể bị ảnh hưởng là Novaland, Đất Xanh, Nam Long. Các ngân hàng lớn có thể bị ảnh hưởng là Techcombank, ACB, Sacombank và một số ngân hàng vừa và nhỏ khác. Người mua nhà ở hiện đang là phân khúc khách hàng lớn nhất của các khoản cho vay mua nhà trả góp và họ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi quy định trên.
Trong báo cáo mới nhất, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s nhận định, Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tác động tích cực đến tín dụng của các ngân hàng của Việt Nam, vì nó sẽ cải thiện thanh khoản và hạn chế tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản nhiều rủi ro. Do đó, các ngân hàng có tỷ lệ lớn các khoản vay dài hạn sẽ hãm chậm tốc độ tăng trưởng tín dụng hoặc chuyển sang tập trung vào các khoản vay ngắn hạn, điều sẽ có lợi cho thanh khoản, Moody’s chỉ ra.