Ðại diện các bộ, ngành thống nhất, tồn tại những lỗ hổng khiến việc đưa rác thải vào Việt Nam thì dễ nhưng tái xuất thì rất khó khăn, phức tạp. Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Việt Nam hiện chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới, chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển, sắp xếp lên bờ, lúc đó mới làm thủ tục thông quan, kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu. Vì thế, chúng ta luôn bị động đối phó những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm hoặc gian lận nhập phế liệu không đúng hoặc không có giấy phép vẫn nhập về. Trong khi đó, việc tái xuất hoặc xử lý các lô hàng vi phạm thường rất phức tạp, kéo dài.
Lỗ hổng được đề cập và bàn thảo nhiều là việc thiếu các ràng buộc trách nhiệm và chế tài xử phạt với chủ tàu, chủ hãng vận tải trong quá trình vận chuyển phế liệu nhập khẩu. Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, nhiều chủ tàu, vì lợi nhuận, hàng hóa gì cũng chở. Khi về đến Việt Nam, trường hợp không ai đến nhận hàng, cơ quan chức năng quay lại tìm chủ tàu thì không thấy và không xử lý được trách nhiệm của chủ tàu.
Ðại diện Bộ Công Thương kiến nghị, phải ràng buộc trách nhiệm của chủ tàu. Số lượng các hãng tàu vận tải không nhiều. Vì vậy cần có thông báo đến các hãng này về việc Việt Nam không cho phép vận chuyển phế liệu nhập khẩu không có giấy phép. Nếu chủ tàu cố tình làm thì phạt hãng tàu. Ðại diện Bộ Công an cũng cho rằng “phải túm người có tóc”. Trường hợp bên xuất là công ty ma, bên nhận cũng là công ty ma thì phải tóm người vận chuyển. Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cũng đồng ý quan điểm này. Ông Hà kiến nghị Bộ GTVT, Cảng Vụ kiên quyết không cho chủ tàu dỡ hàng khi không có giấy phép nhập khẩu phế liệu, đồng thời cần có văn bản đến các hãng vận chuyển, nếu không có giấy phép nhập khẩu của bên nhận thì không cho đưa hàng lên tàu. Nếu không các hãng vận chuyển phải chịu trách nhiệm.