Vì sao phải chặt hơn cả Nhật Bản, Hàn Quốc?
Nước thải ngành thép đang áp dụng theo QCVN 52:2013. Quy chuẩn này quy định nước thải ngành thép trước khi thải ra môi trường phải đáp ứng 12 chỉ tiêu. Trong quy chuẩn mới do Bộ TN&MT dự thảo, nước thải ngành thép trước khi xả ra môi trường phải đáp ứng đồng thời 27 chỉ tiêu, nâng 15 chỉ tiêu so với quy chuẩn cũ. Các thông số được bổ sung gồm chì, đồng, kẽm, Niken, Mangan, sắt, thiếc, PAH, độ màu, tổng phốt pho, Sunfua, Florua, Amoni, Crom tổng và Xyanua tự do. Trong số 12 chỉ tiêu cũ có một chỉ tiêu được siết chặt hơn là Crom VI.
So với các nước tiên tiến trong khu vực thì dự thảo quy chuẩn nước thải ngành thép được đánh giá là ngặt nghèo hơn. Ví dụ, Hàn Quốc quy định độ màu là 400, Đài Loan là 550 Pt/Co, dự thảo mới của Việt Nam là 50-150 Pt/Co. Chỉ tiêu sắt, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là 10mg/l, dự thảo mới quy định là 1-5mg/l.
Chia sẻ lý do nâng số lượng chỉ tiêu từ 12 lên 27, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, hiện nay, trong một khu liên hợp, ngoài việc sản xuất gang thép còn có các nguồn thải khác như nhiệt điện, nước thải sinh hoạt. Những nước thải này được xử lý tại nguồn nhưng trước khi xả ra môi trường thì tập trung lại. Theo Luật Bảo vệ Môi trường và Luật Tài nguyên nước phải quản lý theo Quy chuẩn 40 (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp) với 33 thông số.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết thêm, quy chuẩn này được Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị kỹ lưỡng từ năm 2017, sau sự cố Formosa, trên tinh thần nghiêm ngặt hơn. Quy chuẩn tuân thủ các nguyên tắc là phát triển kinh tế nhưng không hy sinh môi trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và đáp ứng nguyên tắc bảo vệ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường cũng như đảm bảo tính khả thi.
Về khí thải, nếu quy chuẩn cũ quy định thông số chi tiết cho 2 công đoạn là sản xuất cốc (11 chỉ tiêu) và sản xuất thép (11 chỉ tiêu) thì quy chuẩn được áp dụng cho 3 công đoạn gồm công đoạn thiêu kết và sản xuất gang với 15 chỉ tiêu, công đoạn sản xuất cốc (14 chỉ tiêu) và công đoạn cán thép, hoàn nguyên sắt là 13 chỉ tiêu. Cả 3 công đoạn đều áp dụng số lượng chỉ tiêu tăng lên so với quy định cũ. Đáng lưu ý, trong 2 công đoạn là sản xuất gang và cán thép, doanh nghiệp sẽ phải quan trắc chỉ tiêu dioxin/furan. Các doanh nghiệp sẽ có lộ trình cho việc áp dụng chỉ tiêu này.
Liệu có khả thi?
Chia sẻ về dự thảo quy chuẩn nước thải, khí thải ngành thép, ông Chu Đức Khải, Tổng thư ký Hiệp hội thép Việt Nam cho biết, nghi ngờ tính khả thi của quy chuẩn này nếu được ban hành. Ông Khải cho rằng, các thông số quy định quá ngặt nghèo, chặt hơn cả nước tiên tiến như Hàn Quốc, Đài Loan về một số chỉ tiêu như độ màu, florua, sắt, mangan.
Hồi đáp ý kiến này, ông Hoàng Văn Thức cho biết, một số thông số này đã nằm trong quy chuẩn về nước thải ngành thép từ năm 2013, đã được áp dụng. Một số doanh nghiệp Bộ Tài nguyên và Môi trường giám sát đều xử lý đạt các chỉ tiêu đề ra.
Sản xuất thép là một trong những ngành có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tháng 4/2016, sự cố xả nước thải có hàm lượng xyanua và Phenol cao của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra sự cố cá chết ở 4 tỉnh miền trung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sản xuất, đời sống kinh tế xã hội người dân nơi đây.