Sẽ tổng điều tra cơ sở sản xuất về ATVSTP

Sẽ tổng điều tra cơ sở sản xuất về ATVSTP
TP - “Không để vì lợi ích của một vài tổ chức, cá nhân mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe của muôn nhà. Phải kiên quyết xử lý, không nhân nhượng với các cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm” - Bộ Trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói tại Hội nghị về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm - thủy sản, chiều 6-5.

> Nước tương Tàu vị yểu Đông Cô chứa 3-MCPD vượt tiêu chuẩn
> Đình chỉ 25 cơ sở vi phạm ATVSTP

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, muốn có sản phẩm đạt yêu cầu, phải có vật tư đạt yêu cầu. Vì thế, để triển khai Luật An toàn thực phẩm (ATTP, có hiệu lực từ 1-7), bộ đã ban hành Thông tư 14, quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Thông tư 14 sẽ có hiệu lực vào 15-5 này, do vậy, việc triển khai phải hết sức khẩn trương.

Theo ông Phát, Thông tư 14 có cách làm mới, hiệu quả hơn so với các biện pháp thực hiện trước đó. Thay vì kiểm tra các cơ sở từng đợt, không theo dõi liên tục, thì lần này sẽ tổng điều tra, lập hồ sơ, phân loại A (tốt), B (đạt), C (không đạt), có chế độ giám sát, phân biệt đối với từng nhóm khác nhau.

Với cơ sở làm tốt (loại A), tần suất kiểm soát 1 năm/lần, loại đạt là 6 tháng/lần, còn đối với loại chưa đạt, sẽ tăng cường kiểm tra, tùy thuộc vào mức độ vi phạm. Nếu cơ sở cố tình vi phạm, không chịu sửa chữa sẽ xử nghiêm, thậm chí rút giấy phép kinh doanh, khởi tố hình sự.

“Chúng tôi sẽ cho kiểm tra tận gốc các cơ sở sản xuất kinh doanh, từ nhà xưởng, trang thiết bị, công nghệ, con người…, đảm bảo rằng, các cơ sở làm ra các sản phẩm bán ra thị trường phải đạt các yêu cầu theo quy định. Danh tính các doanh nghiệp vi phạm sẽ được công bố rộng rãi, để người tiêu dùng được biết và có thái độ ứng xử”, ông Phát nói.

Theo kết quả thí điểm triển khai việc kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông lâm thủy sản với 9 nhóm sản phẩm ở Thanh Hóa và Tiền Giang thời gian qua cho thấy, số cơ sở làm tốt chỉ 30%, có 40% đạt và 30% còn lại là không đạt và vi phạm nghiêm trọng.

Ông Phát cho biết: “Do khối lượng công việc lớn, phức tạp, nhất là trong điều kiện còn nhiều khó khăn về tổ chức, con người, kinh phí, nên các địa phương nên chọn 1-3 huyện và một số nhóm sản phẩm để thực hiện thí điểm. Qua đó, rút kinh nghiệm để đảm bảo khi triển khai thành công”.

Theo quy định, cơ quan đầu mối để thực hiện nội dung kiểm tra, giám sát, phân loại là Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Tuy nhiên, hiện còn 13/63 tỉnh thành chưa thành lập chi cục.

Vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương nói: “Còn 13 tỉnh kêu khó thành lập chi cục, nhưng tại sao 50 tỉnh người ta làm được? Khó mấy cũng phải làm. Bộ đã có hướng dẫn cụ thể, Sở NN&PTNT các tỉnh phải làm đề án trình UBND các tỉnh về thành lập chi cục, và việc này phải làm trong tháng 5 này. Tỉnh nào chưa làm được phải chịu trách nhiệm”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG