Ông Đặng Ngọc Tuyến, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, Trưởng đoàn kiểm tra các DN trên địa bàn TP Hà Nội khẳng định như vậy với PV Tiền Phong ngày 27/1.
Theo kế hoạch, các đoàn kiểm tra lần này bắt đầu làm việc trực tiếp với DN trọng điểm từ hôm nay (28/1) và báo cáo sơ bộ với Bộ Tài chính ngày 5/2 trước khi báo cáo chính thức ngày 10/2.
Các đoàn sẽ làm việc với đối tượng nào trong lần kiểm tra này thưa ông?
Bộ Tài chính thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng phối hợp với Bộ GTVT bàn về các biện pháp tăng cường quản lý giá cước vận tải xe ô tô. Trong đó, thành lập ngay 3 đoàn kiểm tra: miền Bắc (Hà Nội), miền Trung (Đà Nẵng), miền Nam (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai).
Đây là các địa phương có người đi lại bằng xe ô tô lớn trong dịp Tết. Thay vì làm việc với các cơ quan địa phương, đoàn sẽ làm trực tiếp với DN vận tải. Vì thế, hy vọng đợt kiểm tra này sẽ góp phần giảm cước vận tải ngay tức thì, người dân được hưởng lợi trước Tết.
Xin ông cho biết nội dung cụ thể các đoàn sẽ làm việc với DN?
Chúng tôi đi sâu kiểm tra chấp hành pháp luật về giá của các DN, xem họ đã kê khai giá đúng theo quy định cho các cơ quan nhà nước. Đặc biệt sẽ kiểm tra các yếu tố hình thành giá, xác định chi phí hợp lý, hợp lệ và giá thành cước vận tải phù hợp chưa. Trên cơ sở đó xác định lợi nhuận hợp lý cho DN và yêu cầu DN có giá cước phù hợp.
Cụ thể, chúng tôi sẽ đề nghị DN xuất trình quyết toán tài chính năm 2013, 6 tháng đầu năm 2014, toàn bộ hồ sơ niêm yết, kê khai giá của DN, đặc biệt giai đoạn từ tháng 7/2014 đến nay để xem DN đã kê khai thế nào. Sau đó từng thành viên của đoàn sẽ làm việc với DN để xác định chi phí nào hợp lý, hợp lệ, chi phí bất hợp lý, sai quy định. Qua đó xác định giá cước đã hợp lý và thực hiện chấp hành đúng các văn bản chỉ đạo quản lý giá của nhà nước hay chưa.
Theo ông nên xử lý thế nào với DN chưa giảm giá cước phù hợp?
Nếu phát hiện DN vi phạm các quy định về quản lý giá như không niêm yết, không kê khai, chúng tôi sẽ lập biên bản và phạt vi phạm hành chính. Đối với những chi phí bất hợp lý, không hợp lệ, hạch toán không đúng vào giá thành để xây dựng giá cước vận tải cao, chúng tôi sẽ bóc tách và yêu cầu hạch toán vào lợi nhuận. Cần thiết sẽ chuyển cơ quan thuế xác định thuế thu nhập bổ sung. Lợi nhuận thu được bất hợp lý, quá đáng, móc túi người dân sẽ đề xuất thu hồi.
Sẽ thu hồi lợi nhuận bất hợp lý của DN vận tải? (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh
Đối với các DN không thuộc diện kiểm tra lần này thì thế nào, thưa ông?Chúng tôi kiểm tra các DN có quy mô lớn, chi phối thị trường. Sau khi có kết quả sẽ công khai các đơn vị có lợi nhuận cao mà không hạ cước vận tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân tẩy chay các DN làm ăn chộp giật, qua đó dân lựa chọn hãng vận tải uy tín, giá cả hợp lý.
Theo ông, các biện pháp quản lý hiện nay đã đủ mạnh?
DN bao giờ cũng muốn lợi nhuận nhiều, nhưng phải hài hòa lợi ích người dân và đóng góp nghĩa vụ với nhà nước. Các DN làm ăn chân chính sẽ được các cơ quan nhà nước khuyến khích và người dân ủng hộ, các DN chây ì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Với sự quyết tâm của Bộ Tài chính, Bộ GTVT và các địa phương, chúng tôi tin sẽ thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng về giá cước vận tải. Thông qua đợt kiểm tra này, chúng tôi sẽ có những kiến nghị gửi các cơ quan chức năng hoàn thiện bổ sung chế tài để quản lý tốt hơn.
Công khai DN không giảm giá cước
Ngày 27/1, Sở GTVT Hà Nội đã lập danh sách và công khai các DN vận tải trên địa bàn chưa giảm giá cước.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, danh sách được lập ra sau khi Sở GTVT đã nhiều lần thông báo, đề nghị các DN điều chỉnh giá cước cho phù hợp với tình hình mới.
Tuy nhiên tính đến nay, trong tổng số hơn 70 DN vận tải hành khách liên tỉnh có trụ sở trên địa bàn TP Hà Nội mới chỉ có 25 DN thông báo bằng văn bản đã giảm giá cước đến Sở, 49 DN còn lại, tương đương 66% vẫn chây ì.
Sau khi Bộ GTVT thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra giá cước và yêu cầu các Sở phải công khai các DN chây ì, Sở GTVT Hà Nội đã lập danh sách 49 DN chưa giảm để thông báo công khai với liên ngành kiểm tra.
Với các đơn vị vận tải taxi, trao đổi với PV Tiền Phong ngày hôm qua, đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, hiện trên địa bàn Hà Nội có 114 DN kinh doanh vận tải bằng taxi, nhưng đến nay Sở mới nhận được văn bản của 81 đơn vị thông báo giảm giá cước, 33 DN còn lại vẫn chưa giảm.
Trọng Đảng