Sẽ thông thủy Tam Cốc với Tràng An và Hoa Lư

Sẽ thông thủy Tam Cốc với Tràng An và Hoa Lư
TP - Dự kiến, quần thể di sản Tràng An sẽ được UNESCO công nhận di sản thế giới vào năm 2014. Trao đổi với Tiền Phong, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Bùi Văn Nam cho biết khu Tràng An sẽ được thông thủy với Tam Cốc - Bích Động và cố đô Hoa Lư.

> Tràng An: Ngất ngây vẻ đẹp nguyên sơ
> Bí ẩn từ những khối đá ở Tràng An

Rốt cuộc, tiêu chí tổng hợp đã được lựa chọn để xây dựng hồ sơ di sản Tràng An. Đây cũng là di sản có tốc độ hoàn thiện hồ sơ nhanh nhất Việt Nam. Ông có thể nói gì về quá trình này?

Tỉnh Ninh Bình phối hợp Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn chỉnh hồ sơ theo ý kiến của các chuyên gia UNESCO và gửi sang Pháp ngày 30 – 9.

Theo đánh giá bước đầu của UNESCO, hồ sơ di sản Tràng An là một trong những hồ sơ được chuẩn bị khá kỹ, đặc biệt là những yếu tố liên quan các tiêu chí về tự nhiên và văn hóa.

Ninh Bình đã chọn tiêu chí tổng hợp cho hồ sơ di sản, tức là cả tự nhiên và văn hóa. Đây là điều đặc biệt so với các di sản khác của Việt Nam đã được công nhận.

Quần thể danh thắng Tràng An gồm 3 khu vực: Khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư, danh thắng Tam Cốc - Bích Động và khu sinh thái Tràng An, nằm trên 8 xã, phường thuộc huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan và thành phố Ninh Bình. Tổng diện tích của khu danh thắng trên 10.000 ha được bao bọc bởi sông Hoàng Long (phía Bắc), sông Chanh (phía Đông), sông Bến Đang (phía Tây Nam). Hiện Quần thể danh thắng Tràng An có khoảng 50 hang động khô và 50 hang động nước.

Theo lộ trình, đầu năm 2013, UNESCO sẽ chuyển lại hồ sơ cho Ninh Bình, đồng thời họ tham góp ý kiến, và hỏi kỹ hơn về những vấn đề họ chưa rõ. Sau khi Ninh Bình làm rõ tất cả vấn đề, hồ sơ sẽ được gửi lại cho UNESCO.

Nếu không có gì thay đổi, đầu năm 2014, UNESCO sẽ xét và công nhận. Phải nói là hồ sơ được làm rất nhanh, từ lúc khởi động đến lúc nộp chỉ 1 năm.

Sự chuẩn bị nhanh khá khẩn trương tích cực đúng hướng ngay từ đầu. Để làm sớm như vậy, Ninh Bình đã thành lập ban quản lý khu danh thắng Tràng An, mời tư vấn nước ngoài ngay từ đầu- họ đều có kinh nghiệm và từng tham gia bình xét di sản thế giới.

Thuận lợi nữa là có sự tham gia của nhóm chuyên gia và sinh viên Đại học Cambridge (Anh), họ nghiên cứu 6 - 7 năm liên ở Tràng An. Kết quả nghiên cứu của nhóm này được công bố phù hợp việc lựa chọn tiêu chí của di sản.

Khu di tích lịch sử văn hóa – thiên nhiên Tràng An được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, nhà nước, các bộ ngành, nên sự phối hợp hỗ trợ, tạo điều kiện ngay tư đầu là một trong những yếu tố thuận lợi.

Từ đó, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Ninh Bình đã sớm xây dựng kế hoạch tổng thể và chỉ đạo quyết liệt, đưa vào chương trình kiểm tra đánh giá định kỳ trong những lần họp của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Điều đó tạo nên sức mạnh và điều kiện thuận lợi. Nếu không có gì bất thường, danh thắng Tràng An – Tam Cốc Bích Động sẽ được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Đường vào Tràng An. Ảnh: Minh Đức
Đường vào Tràng An. Ảnh: Minh Đức.

Danh thắng này trải rộng từ Tràng An, Hoa Lư đến Tam Cốc- Bích Động, nằm trên 4 huyện và thành phố. Nếu được UNESCO công nhận, việc quản lý di sản trên địa bàn rộng như thế sẽ gây khó khăn gì cho Ninh Bình?

Khi xây dựng hồ sơ, Ninh Bình đã nghiên cứu rất kỹ. Di tích nằm trên huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan và thành phố Ninh Bình, nhưng thực chất chỉ một khu vực thôi.

Đặc biệt vùng lõi của di sản chưa xuất hiện cơ sở công nghiệp hay sản xuất kinh doanh gì. Vùng đệm thì có một số cơ sở kinh tế, những xóm làng dân cư.

Trao đổi với các chuyên gia, họ cũng nhất trí là khi được công nhận di sản thế giới, sẽ có biện pháp để vừa bảo vệ giữ gìn được di sản vừa đảm bảo được sản xuất và đời sống người dân.

Việc tu bổ, làm mới một số hạng mục trong khu vực có làm dấy lên lo ngại về tính nguyên trạng của khu danh thắng Tràng An – Tam Cốc không, thưa ông?

Các chuyên gia đã thấy rằng, về thiên nhiên, chúng tôi giữ gìn hoàn toàn, còn những công trình văn hóa có hạng mục chúng tôi giữ nguyên trạng, có hạng mục cần tu bổ tôn tạo. Các nước khác, các di sản khác, người ta cũng làm thế.

Ông có thể cho biết Nghị quyết 15 về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đang được triển khai như thế nào?

Đây là một nghị quyết rất quan trọng. Hơn 3 năm qua, nó tạo bước phát triển khá nhanh, toàn diện và đột phá đối với du lịch Ninh Bình.

Năm 2011, Ninh Bình có nhiều chương trình, biện pháp để tiếp tục thực hiện nghị quyết này, trong đó tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và tuyên truyền quảng bá, kết nối với du lịch đồng bằng sông Hồng. Việc này được Chính phủ rất quan tâm và Ninh Bình đang làm rất quyết liệt.

Lượng khách đến Ninh Bình ngày càng đông. Cơ sở lưu trú ở tỉnh liệu có lúc nào quá tải không thưa ông?

Mấy năm gần đây, khách đến đông, chủ yếu tham quan Tràng An, Tam Cốc, chùa Bái Đính.

Năm nay, dự đoán lượng khách khoảng 4 triệu, nên đúng là cơ sở hạ tầng không đáp ứng nổi lượng khách lớn trong một thời điểm nhất định.

Vì vậy, từ cuối năm ngoái, tỉnh Ninh Bình đã có những biện pháp rất quyết liệt để khách đến được đón tiếp và phục vụ chu đáo, như quy hoạch bến xe 200ha (đang thi công khẩn trương) - có lẽ là bến xe du lịch lớn nhất hiện nay, mở thêm nhiều tuyến đường thủy qua nhiều hang để tránh quá tải cho Tràng An và tăng tính kết nối Tràng An với Tam Cốc- Bích Động và Hoa Lư.

Cảm ơn ông.

Trần Thanh - Minh Đức
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG