60 năm Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam:

Sẽ là trung tâm đào tạo hàng đầu về nhạc nhẹ

Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội và dàn hợp xướng Học viện Âm nhạc Quốc gia biểu diễn tại phòng Hòa nhạc Lớn tháng 10/2016
Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội và dàn hợp xướng Học viện Âm nhạc Quốc gia biểu diễn tại phòng Hòa nhạc Lớn tháng 10/2016
TP - Hai tháng dày đặc các chương trình hòa nhạc là cách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam kỷ niệm 60 năm thành lập. Được biết đến như trung tâm đào tạo chuyên nghiệp, đỉnh cao trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển, ở tuổi 60, Học viện chuẩn bị mở khoa nhạc nhẹ.

Từ trung tuần tháng 10, nhiều chương trình nghệ thuật diễn ra tại phòng Hòa nhạc Lớn, với sự tham gia của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế. Có thể kể ba đêm độc tấu piano của Lưu Đức Anh, Lưu Hồng Quang, nghệ sĩ Thụy Điển Staffan Sanstrom; chương trình hòa nhạc của nhạc trưởng Shalev Ad-El cùng giọng nữ cao Tố Loan và Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội; chương trình Hồi tưởng tập hợp nhiều thế hệ khoa Thanh nhạc: Trung Kiên, Quang Thọ, Quốc Hưng, Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương, Lan Anh, Anh Thơ…

Những chương trình hoành tráng nhất kết thúc chuỗi lễ hội âm nhạc này diễn ra tối 25 và 26/11. Chương trình đêm 25 có sự tham gia của nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy cùng các nghệ sĩ của Học viện và Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng Ballet TPHCM.

Lễ kỷ niệm 60 năm Học viện Âm nhạc Quốc gia và đón Huân chương Lao động hạng Nhì diễn ra 8h sáng 26/11 với phần chiếu phim tài liệu về Học viện, chương trình nghệ thuật chào mừng dài 45 phút. Tối cùng ngày là Gala nghệ thuật đặc sắc. Đặc biệt, NSND Thái Thị Liên- thân mẫu NSND Đặng Thái Sơn, 99 tuổi sẽ biểu diễn khai màn bằng một mazurka của Chopin. Hiện mỗi ngày lão nghệ sĩ tập đàn 2-3 tiếng và vẫn nhận dạy học sinh. Nghệ sĩ nhỏ tuổi nhất diễn đêm Gala là Trần Lê Quang Tiến, 14 tuổi, vừa đoạt giải Nhất cuộc thi violon quốc tế tại Kazakhstan. Đặng Thái Sơn cũng sẽ về diễn mừng tuổi Học viện nhưng không vào dịp này vì trùng lịch diễn của anh. Kết thúc đêm Gala đặc biệt sẽ là màn cử hành Quốc ca hoành tráng chưa từng có với dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng hơn 300 nghệ sĩ.

Hầu hết chương trình hòa nhạc đều diễn ra tại phòng Hòa nhạc Lớn của Học viện mới đưa vào sử dụng tháng 1/2015, vẫn tiếp tục hoàn thiện các hạng mục, trong đó có phòng tập cho dàn nhạc ở tầng hầm. Chi phí xây dựng phòng hòa nhạc tiêu chuẩn quốc tế hơn 700 chỗ ngồi này vào khoảng 260 tỷ đồng. Tương lai, đây không chỉ là nơi tổ chức các buổi hòa nhạc chất lượng cao mà còn là trung tâm văn hóa, triển lãm.

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hiện có các ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Biểu diễn Piano, Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Sáng tác, Lý luận, Chỉ huy, mới đây mở chuyên ngành nhạc Jazz và đang xây dựng đội ngũ giảng viên cho chuyên ngành nhạc nhẹ trong tương lai. TS Lê Anh Tuấn- Phó giám đốc phụ trách Học viện khẳng định: “Nhạc nhẹ không phải định hướng đào tạo chính của Học viện, nhưng đã mở ra ngành này chúng tôi xác định mình không đi theo mà phải dẫn đầu”. Học viện đang cử cán bộ đi học về nhạc nhẹ tại các trung tâm đào tạo ở Bắc Âu.

MỚI - NÓNG