Theo bản tin mà Reuters dẫn lại, ông Gil cũng nói lực lượng Nga sẽ ở lại Venezuela cho đến khi nào không thấy việc đó còn cần thiết.
“Nhóm chuyên gia quân sự tới Venezuela theo thỏa thuận và hợp đồng hợp tác kỹ thuật quân sự”, hãng Interfax trích lời thứ trưởng Gil.
Trước đó, điện Kremlin nói một số chuyên gia quân sự Nga đã tới Venezuela để hỗ trợ kỹ thuật theo hợp đồng đang còn hiệu lực về việc Nga cung cấp vũ khí cho Venezuela.
Đặc sứ Mỹ về Venezuela tuần trước nói ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lập một danh sách các lựa chọn, bao gồm cả biện pháp trừng phạt, mà Washington có thể dùng đến để đáp lại sự hiện diện của quân nhân Nga ở Venezuela.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã đặt quân đội trong tình trạng báo động do phát hiện một âm mưu được cho là do phe đối lập dựng lên để ám sát ông, và kêu gọi các đơn vị dân quân tham gia lực lượng quân đội ủng hộ chính phủ. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình Venezolana de Television TV, ông Maduro nói: “Tôi biết về kế hoạch tội ác của họ, những người dẫn đầu phe đối lập, kế hoạch giết tôi”. Theo ông, bởi vì việc này, “lực lượng vũ trang đã được đặt trong tình trạng báo động”.
Ông Maduro nói việc dân quân tham gia lực lượng vũ trang ủng hộ chính phủ là cần thiết bởi nó giúp “đảm bảo hòa bình” tại các thành phố và thị trấn của Venezuela. Ông Maduro nói biện pháp này là “hợp hiến, hợp pháp và cần thiết”.
Kể từ cuối tháng 3, nhiều người dân Venezuela bất bình với tình trạng thiếu nước và thiếu điện đã biểu tình ở thủ đô Caracas và một số thành phố khác. Theo tổ chức phi chính phủ Foro Penal, từ 29/3-1/4, gần 50 người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình. Hoạt động biểu tình có lúc đã trở nên gay gắt, nhưng theo TASS, chưa có ai bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát và lực lượng ủng hộ chính phủ.
Tình hình Venezuela trở nên rối ren kể từ ngày 23/1, khi chủ tịch Quốc hội và cũng là lãnh đạo đối lập Juan Guaido tuyên bố tự phong mình là tổng thống lâm thời và kêu gọi ông Maduro từ chức, mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử mới. Sau đó, tòa Tối cao Venezuela đã ra phán quyết phế truất chức vị chủ tịch Quốc hội của ông Guaido. Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, đa số nước châu Âu, một số nước Trung và Nam Mỹ…lên tiếng công nhận ông Guaido là lãnh đạo của Venezuela. Về phần mình, ông Maduro lên án động thái này là âm mưu lật đổ chế độ của ông do Mỹ đứng đằng sau. Nga, Belarus, Bolivia, Iran, Cuba, Nicaragua, El Salvador, Syria và Turkey lên tiếng ủng hộ ông Maduro.