Khuyến khích sáng tạo
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Đà Nẵng, cho biết, UBND thành phố đồng ý đề xuất cuộc vận động sáng tác mẫu hình tượng sư tử, nghê mang bản sắc Việt trên cơ sở mẫu cổ từ tư liệu do Bộ VHTT&DL cung cấp. “Nghệ nhân của chúng tôi khen tượng cổ của mình đẹp nhưng không uy nghi, nhỏ con quá, dân họ muốn đặt tượng mà nhìn vào thấy bệ vệ, khí thế. Họ xin cho họ sáng tạo to ra, khí thế lên, hoa văn đảm bảo hoa văn Việt, chứ không chỉ sao chép tượng cổ”, ông Chiến nói.
Theo đó, nghệ nhân ở Đà Nẵng có 5 tháng kể từ 15/1 để sáng tác, mỗi cơ sở gửi ít nhất một mẫu, cao tối thiểu 80cm. Hội đồng nghệ thuật sẽ chấm chọn, UBND thành phố cấp tiền phóng lớn thành tượng, đem triển lãm bên bờ sông Bạch Đằng cho nhân dân xem. Sau đó lại tiếp tục chấm trên mẫu vật và chọn, trao giải những mẫu tượng sẽ được đưa vào sản xuất đại trà cho làng nghề.
Nguyễn Quang Vũ, trưởng nhóm nghiên cứu linh vật Việt tại làng nghề đá Ninh Vân, chia sẻ về ý tưởng phối hợp các chuyên gia mỹ thuật, điêu khắc để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đúng truyền thống. “Chúng tôi sẽ tham khảo những linh vật cổ của Việt Nam sau đó nhờ anh em điêu khắc đắp lại bằng mẫu đất, nhờ các nhà điêu khắc của Bộ VHTT&DL đến góp ý, từ mẫu đất đó đổ ra thạch cao rồi làm tất cả các chất liệu. Không chỉ chú trọng chất liệu đá, chúng tôi mở rộng ra đồng, gốm, gỗ, và cũng không chỉ linh vật mà còn nhiều hiện vật khác của Việt Nam nữa”, Vũ nói.
Trái với quan điểm của đại diện Sở VHTT&DL Đà Nẵng, Vũ cho rằng linh vật Việt không nhất thiết phải to, mà là sự kết hợp nhiều yếu tố. “Chúng tôi sẽ làm nhiều kích cỡ nhưng chắc chắn không to, chú trọng tạo mẫu đẹp. Dù làm với tính chất doanh nghiệp, nhưng tôi cho rằng trước hết không phải để kinh doanh, mà là tư duy sáng tạo khác với mẫu cổ, dù vẫn mang nét văn hóa Việt”, Vũ nói thêm. Về quan điểm này, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, GS Trần Lâm Biền từng nói phải nhận thức đúng vai trò, kích cỡ của linh vật Việt tại các di tích: Con nghê vốn không quá cao to như sư tử Tàu.
Không thể nửa vời
Công văn 2662 của Bộ VHTT&DL nhận sự hưởng ứng khá mạnh của hầu hết người dân, cán bộ quản lý di tích. Tuy vậy, không thể không nhìn nhận tác động của nó đến đời sống, đặc biệt là làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng). Theo lãnh đạo Sở VHTT&DL Đà Nẵng, hiện làng nghề tồn đọng 4.500 cặp sư tử đá ngoại lai. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Bích Liên thừa nhận công văn có tác động đến người dân, nhưng lâu nay sản xuất sư tử đá theo nhu cầu thị trường, trong số đó cũng đem xuất khẩu, nên khuyến khích người dân đẩy mạnh xuất khẩu thời gian tới.
Chiến dịch dọn dẹp sư tử đá ngoại lai khỏi các di tích phần lớn không quá trở ngại, theo báo cáo của một số tỉnh như Ninh Bình, Hưng Yên. Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Đà Nẵng kể đợt kiểm kê vừa rồi, Đà Nẵng có hai di tích đặt hai cặp sư tử đá Tàu. “Hai cặp này của hai đồng chí cấp cao ở Trung ương, không phải của Đà Nẵng đâu. Chúng tôi làm việc, các đồng chí ấy mới nói Ủa của Tàu hả? Và thống nhất chủ trương, tháo dỡ liền. Chúng tôi chỉ sợ nhất là người cung tiến không đồng tình”, ông Chiến nói.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu rằng, qua kiểm tra ban đầu thấy đại đa số tăng ni, phật tử hưởng ứng Công văn 2662, tuy nhiên một mình công văn này khó thực hiện triệt để chiến dịch loại bỏ các hiện vật không phù hợp. Liên quan di tích chùa chiền, Giáo hội Phật giáo VN giao Ban Văn hóa T.Ư của Giáo hội phối hợp với các hội, cơ quan chuyên ngành, chuyên gia nghiên cứu sâu hơn và hội thảo về mỹ thuật, kiến trúc cổ, thậm chí y phục của tăng ni, vì các nhà sư không thể nắm rõ chuyên môn sâu này.
Hiện vật ngoại lai ở di tích đơn giản hơn, tuy nhiên còn rất nhiều cặp sư tử nhe nanh ở cửa các công sở, doanh nghiệp. Theo sáng kiến của Đà Nẵng, trong tiêu chí mới để cấp các danh hiệu cơ quan, doanh nghiệp văn hóa bắt buộc phải tuân thủ không đặt hiện vật ngoại lai.
Quanh việc xử lý sư tử ngoại lai hiện nay, nhiều nơi lúng túng. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội nói, qua kiểm tra có nơi đem ra nghĩa trang, nơi cất kho, thậm chí chôn xuống đất. Đà Nẵng đề xuất, với số sư tử đá tồn đọng, những con to sẽ đục lại theo mẫu Việt, còn lại sẽ xay thành bột đá để đúc mẫu linh vật Việt. GS Trần Lâm Biền nói: “Không thể nửa vời, nếu không chúng ta xơi hậu quả ngay”. Ông cũng cho rằng, với những con sư tử đá này chỉ cần “cho một búa là xong, không có lằng nhằng”. Tuy nhiên, ngoài sư tử đá, tại di tích hiện vẫn còn rất nhiều hiện vật, kiến trúc không phù hợp, đòi hỏi quá trình xử lý dài hơi.
Thận trọng với tượng quan âm bạch y
Thanh tra Bộ VHTT&DL trong nhiều chuyến về các di tích đều phân tích với các trụ trì, cần đưa tượng quan âm bạch y khỏi di tích, cho rằng hết thời “cứu độ gấp gáp”. Tuy nhiên, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho rằng, Bộ nên nghiên cứu kỹ hơn, bước đầu có thể đưa ra khỏi một số di tích, chứ không nên cấm hoàn toàn. “Nhìn rộng ra, tượng quan âm bạch y không chỉ có ý nghĩa cứu độ, ở đây thể hiện sự giao thoa, tiếp nối trong vấn đề tượng thờ phụng”, thượng tọa nói. Theo GS Trần Lâm Biền, vấn đề ở chỗ những tượng được cho rằng là quan âm bạch y hiện nay đều không đúng bản chất.