>> Plutonium có trong đất tại nhà máy Fukushima
Kiểm tra nhiễm xạ cho người dân gần nhà máy Fukushima. Ảnh: Snippits. |
Hôm qua, Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản (NISA) thông báo, hàm lượng phóng xạ i-ốt 131 trong mẫu nước biển lấy gần nhà máy chiều 29-3 cao bất thường cho thấy, phóng xạ có thể phát ra từ lõi lò phản ứng - nơi một phần các thanh nhiên liệu đã bị nóng chảy.
Phát ngôn viên của NISA, ông Hidehiko Nishiyama, nói rằng, dữ liệu của Cty Điện lực Tokyo (Tepco), đơn vị vận hành nhà máy, cho thấy, phóng xạ theo một cách nào đó đã rò rỉ ra biển.
Tối 30-3, khói lại bốc lên từ lò phản ứng số 1 nhưng nhanh chóng biến mất. Trong khi đó, gió đưa các hạt phóng xạ lơ lửng trên Thái Bình Dương bay về hướng tây tới nhiều vùng của Nhật Bản. Tuy nhiên, nước biển nhiễm xạ không gây nguy cơ tức thời đối với sức khỏe vì không có đánh bắt hải sản trong bán kính 20km tính từ nhà máy, và các chất phóng xạ sẽ bị “pha loãng đáng kể” tính đến thời điểm các sinh vật biển hấp thu rồi con người ăn chúng, ông Nishiyama nói.
Ngày 26-3, nồng độ phóng xạ i-ốt 131 trong nước biển khu vực cách miệng cống thoát nước của lò phản ứng số 1, 2, 3 và 4 khoảng 330m cao gấp 1.850 lần mức cho phép. Ba ngày sau, nồng độ giảm mạnh, chỉ còn gấp 28 lần mức cho phép.
Phát biểu trong một buổi họp báo ngày 30-3, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, Yukio Edano, cho rằng, phải đóng cửa tất cả 6 lò phản ứng của nhà máy Fukushima. “Dưới góc độ xã hội, tôi tin rằng, điều đó là rất rõ ràng”, ông nói.
Trong một cuộc họp báo khác cùng ngày, Chủ tịch Tepco, Tsunehisa Katsumata, phát biểu: “Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc loại bỏ các lò phản ứng số 1, 2, 3 và 4 nếu xem xét tình trạng của chúng một cách khách quan”. Sau trận động đất và sóng thần hôm 11-3, 4 trong tổng số 6 lò phản ứng bị mất chức năng làm mát và rò rỉ chất phóng xạ ra biển cũng như không khí.
Theo ông Nishiyama, phải mất ít nhất 20 năm để hoàn thành việc đóng cửa hoàn toàn nhà máy Fukushima. Ông nói rằng, Tepco đang cân nhắc việc phủ các lò phản ứng bằng quan tài đá làm từ bê tông và sắt thép - phương pháp được áp dụng trong thảm họa hạt nhân Chernobyl.
Trước khi cho các lò phản ứng nghỉ hưu non, công nhân Tepco và chính phủ Nhật Bản phải kiểm soát được tình trạng chúng đang bị nóng quá mức. “Tiếc thay, cần có thời gian mới kiểm soát được tình hình và mới đảm bảo được rằng, mọi người an toàn, không bị nhiễm xạ”, Chánh Văn phòng Nội các nói. Điều này cũng có nghĩa rằng, người dân sơ tán khỏi khu vực quanh nhà máy chưa thể về nhà trong tương lai gần.
Ông nói “sẽ mất một khoảng thời gian dài” để ổn định nhiệt độ các thanh nhiên liệu trong lõi các nhà phản ứng, còn ông Katsumata, cho rằng “khó ổn định các lò phản ứng trong vòng vài tuần”.
Khói bốc lên từ lò phản ứng số 3 của nhà máy Fukushima hôm 21-3. Ảnh: Jiji Press. |
Còn nước còn tát
Tepco đã đổ hàng chục tấn nước biển, nước ngọt vào các lò phản ứng cũng như bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng. Nhưng, nước nhiễm xạ trong các tòa nhà, rãnh thoát nước cản trở việc khôi phục chức năng làm mát. Vì thế, các thanh nhiên liệu vẫn bị nóng, giải phóng chất phóng xạ vào môi trường.
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đang cân nhắc việc tách NISA khỏi Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp. Bộ này tích cực thúc đẩy việc phát triển năng lượng hạt nhân. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc này ảnh hưởng vai trò của NISA trong việc bảo đảm an toàn hạt nhân. |
Mới đây, Tepco phát hiện nước nhiễm xạ trong đường cống ngầm nối với tòa nhà lò phản ứng số 1. Cty này nói rằng, phần lớn nước trong cống là nước biển do sóng thần đưa vào. Tối 30-3, Tepco bắt đầu chuyển nước trong cống vào tòa nhà chuyên xử lý chất thải hạt nhân.
Cty gom nước vào các thùng, và tính đến khả năng đào một hố sâu bên ngoài tòa nhà lò phản ứng để chứa nước vì các thùng đã đầy. Độ sâu nước tù đọng đã giảm một nửa, còn khoảng 20cm, NISA thông báo.
Ngày 30-3, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, để giảm lượng bụi phóng xạ bay ra ngoài, nhiều chuyên gia đang nghiên cứu việc dùng tấm lợp đặc biệt che mái các tòa nhà lò phản ứng bị hư hại trong những vụ nổ khí hyđrô trước đây. Cùng ngày, Phát ngôn viên của NISA nói rằng, ngày 31-3, Tepco sẽ bắt đầu phun các chất phủ chứa nước vào nhà máy để ngăn bụi phóng xạ theo gió, mưa bay xa.
Chính quyền Nhật Bản đã sơ tán dân trong khu vực 20km tính từ nhà máy Fukushima. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia hạt nhân phương Tây cho rằng, Nhật Bản nên mở rộng phạm vi sơ tán, ưu tiên sơ tán phụ nữ có thai và trẻ nhỏ vì phóng xạ tập trung tấn công các tế bào phân chia nhanh.
Ở cạnh khu vực sơ tán, mức phóng xạ cao nhất đo được là 0,16 millisievert/giờ. Nếu một người phơi nhiễm mức này liên tục trong 25 ngày thì người đó tiếp xúc lượng phóng xạ tương đương mức phơi nhiễm cho phép trong một năm của công nhân nhà máy điện hạt nhân.
Các nghiên cứu về những người sống sót trong vụ Mỹ đánh bom nguyên tử thành phố Hiroshima và Nagasaki kết luận rằng, nếu 100 người nhận một liều 100 millisievert thì 1 trong số họ cuối cùng chết vì ung thư (là kết quả của phơi nhiễm phóng xạ).
Hiện có 77.000 người sống trong các khu nhà tạm như trường học, và 62.000 người khác sống trong vùng cách nhà máy 30km. Giám đốc Cơ quan Quản lý Hạt nhân Mỹ khuyến nghị Nhật Bản mở rộng vùng sơ tán lên 80km. Nếu thực hiện, 2 triệu người sẽ phải đi sơ tán, không kể hàng trăm nghìn nạn nhân động đất, sóng thần. Ngày 30-3, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông báo, hàm lượng phóng xạ tại một ngôi làng cách nhà máy Fukushima khoảng 40km đã vượt mức cho phép.
Mới đây, cơ quan an toàn hạt nhân của Pháp, IRSN, công bố mô hình tính toán của mình, theo đó nhà máy Fukushima có thể đã phát ra lượng phóng xạ bằng 1/10 con số trong thảm họa Chernobyl năm 1986.
Trong khi đó, IAEA tin rằng, lượng phóng xạ phát ra từ nhà máy Fukushima chỉ bằng một phần nhỏ trong con số ước tính của IRSN. Theo Mycle Schneider, tác giả chính của Báo cáo Tình trạng Ngành Hạt nhân Thế giới, nhà máy Fukushima có hơn 2.500 tấn uranium và plutonium, gấp ít nhất 20 lần số lượng chất phóng xạ của nhà máy Chernobyl.
Nhiều nhà khoa học Pháp cho rằng, hầu hết lượng phóng xạ được đo lường hiện nay đến từ tòa nhà chứa lò phản ứng 1, 2 và 3. Các thanh nhiên liệu đang hoạt động (gần như chưa được làm mát) khiến nhiệt độ trong tòa nhà tăng cao, nên kỹ sư nhà máy phải xả không khí nhiễm xạ qua hệ thống van bên trong lò phản ứng.
Theo các nhà khoa học phương Tây, với các lò phản ứng ở Mỹ và Đức, hệ thống van khẩn cấp có bộ lọc để giữ lại bụi phóng xạ, nhưng nhà máy Fukushima không có bộ lọc như vậy.
Cách ưng phó sự cố hạt nhân Bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm xạ ngoài: a. Tránh càng xa nguồn phóng xạ càng tốt; b. Thời gian bị ảnh hưởng bởi phóng xạ càng ngắn càng tốt; c. Trú ẩn vào các tòa nhà bằng bê tông. Bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm xạ trong: a. Đeo mặt nạ bằng khẩu trang hoặc găng tay; b. Không uống nước hoặc ăn thức ăn bị nhiễm xạ. Cần lưu ý: Đóng tất cả cửa ra vào và cửa sổ; Chạy vào tòa nhà, văn phòng hoặc các cơ sở công cạnh đó; Rửa kĩ tay và mặt, nếu vừa ra ngoài; Tắm và gội đầu khi được yêu cầu; Tắt quạt thông gió và quạt sưởi; Để thức ăn vào trong hộp đựng và gói lại; Cởi bỏ quần áo vừa mặc vì có thể đã bị nhiễm xạ, cho vào túi nhựa buộc chặt miệng, có thể phải tiêu hủy nếu có yêu cầu; Bảo vệ nước uống trong các đồ đựng có thể dán được. Nếu đã bị nhiễm xạ hoặc phơi nhiễm: Bác sĩ sẽ kiểm tra và cung cấp trợ giúp ban đầu nếu cần thiết. Cần tắm rửa sạch sẽ và tới ngay cơ sở y tế. Nguồn: Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân (Bộ KH&CN) |
Thái An (tổng hợp)