Sẽ bỏ thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay Luật Đầu tư sửa đổi sẽ bãi bỏ quy định doanh nghiệp phải xin giấy chứng nhận đầu tư đối với ngành nghề không ràng buộc điều kiện.

Trình bày về dự thảo luật này chiều 22/4 trước Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói đây là thủ tục mà trước nay các doanh nghiệp kêu ca nhất. Cùng với đó, dự luật cũng tiến tới cho phép doanh nghiệp chỉ cần ngồi nhà đăng ký thành lập qua mạng mà không phải tới cơ quan công quyền. Ông Vinh kỳ vọng hai điều này sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư mới để vực dậy nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng, trước đó cơ quan này dự kiến có 4 loại đối tượng phải cần giấy chứng nhận đầu tư, gồm: ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sử dụng đất từ 500ha trở lên, lĩnh vực có ưu đãi đầu tư và ngành nghề ô nhiễm môi trường. “Chính phủ đã rà soát và thấy rằng chỉ cần quy định giấy chứng nhận đầu tư với ngành nghề có điều kiện”, ông Vinh nói

Tuy nhiên, trở ngại là ở chỗ, hiện còn quá nhiều luật chuyên ngành ràng buộc về kinh doanh có điều kiện. Rà soát sơ bộ của bộ này cho thấy còn khoảng 330 ngành nghề.

Chưa hài lòng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói đây là luật quan trọng nhất mà không giúp doanh nghiệp cởi bỏ chế định của các luật ngành thì hiệu quả sẽ không có nhiều ý nghĩa.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh hứa tới đây sẽ cùng các bộ rà soát để rút gọn danh mục này. “Các bộ phải trả lời được vì sao phải ràng buộc điều kiện, nếu không có điều kiện thì nguy hại gì… một khi không trả lời thỏa đáng thì phải loại bỏ. Chỉ có nghị định của Chính phủ trở lên mới được phép quy định ngành nghề có điều kiện, còn quyết định, thông tư cũng không được phép”, Bộ trưởng đề xuất.

Chủ nhiệm ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển chia sẻ rằng sẽ rất gian nan trong cuộc đấu tranh với các bộ nhằm loại bớt những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. "Nhưng đây là dịp để rà soát, nhằm làm minh bạch chính sách. Vừa qua khi tiền hành rà soát các điều kiện để doanh nghiệp được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, chúng tôi cũng phát hiện và đã bãi bỏ nhiều điều kiện về đối tượng ưu đãi đầu tư, giảm thuế quy định rải rác tại nhiều luật khác”, ông Hiển kể.

Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn về các lĩnh vực cấm đầu tư. Theo dự thảo, có 4 loại dự án cấm đầu tư, bao gồm: Dự án gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng; Dự án gây phương hại đến di tích lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; Dự án gây tổn hại đến sức khỏe nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường và dự án xử lý phế thải độc hại đưa từ bên ngoài vào Việt Nam, sản xuất các loại hóa chất độc hại hoặc sử dụng tác nhân độc hại bị cấm theo điều ước quốc tế.

"Nhìn vào đây tôi cũng không biết cái gì cụ thể bị cấm. Quy định vậy quá chung chung", Chủ tịch Quốc hội nhận xét. Ông Hùng cho rằng, nếu nói phương hại đến thuần phong mỹ tục thì may áo quần cũng có nguy cơ. "Vậy chả lẽ cũng cấm? Bên cạnh đó, ngành nghề gì cấm anh này nhưng anh khác thì được, ví dụ như vũ khí thì đẻ ra ngành quốc phòng làm, điều đó cũng cần ghi rõ", Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng bổ sung.

"Đúng là tôi nhìn vào cũng không biết mình kinh doanh có ổn không", ông Bùi Quang Vinh thừa nhận danh mục cấm kinh doanh vẫn vừa rộng lại vừa lủng củng. Song theo ông, danh mục này chủ yếu tổng hợp từ các bộ, ngành khác nên Bộ Kế hoạch Đầu tư dự kiến sẽ lập một dự án đánh giá tác động đối với từng lĩnh vực, ngành nghề dự kiến cấm hoặc kinh doanh có điều kiện, sau đó tranh luận với các bộ xem cái nào nên bỏ, cái nào nên giữ. Tuy nhiên theo ông Vinh để tranh luận với các bộ "là không hề đơn giản”.

Theo Chí Hiếu

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG