Hại thai vì nhân trần, chó đẻ
Toàn cây nhân trần chứa tinh dầu với hàm lượng 1% paracymen pinen limonene, cineol, anethol. Ngoài ra còn có acid nhân thơm, coumarin, một số serquiterpen và flavonoid.
Theo Y học cổ truyền, nhân trần có vị hơi đắng, tính hơi hàn, có công dụng thanh nhiệt, lợi thấp, lợi mật; dùng để chữa các chứng bệnh hoàng đản (vàng da), tiểu tiện bất lợi, viêm loét da do phong thấp.
Còn theo y học hiện đại, một số nghiên cứu cho thấyqua nghiên cứu, nhân trần có tác dụng làm tăng tiết, thúc đẩy quá trình bài tiết dịch mật, bảo vệ tế bào gan, ngăn ngừa tình trạng gan nhiễm mỡ, làm hạ huyết áp và thúc đẩy sự tuần hoàn máu trong cơ thể.
Bên cạnh đó, nhân trần còn có tác dụng giải nhiệt, giảm đau, chống viêm, đồng thời có khả năng ức chế một số loại vi khuẩn như vi khuẩn tụ cầu vàng, vi khuẩn phó thương hàn, thương hàn, mủ xanh, E.coli, lị, song cầu khuẩn, vi khuẩn gây viêm não, viêm phổi và một số loại nấm.
Trên lâm sàng, người ta đã dùng nhân trần để điều trị các bệnh như viêm gan truyền nhiễm cấp tính, viêm gan thể da vàng, vàng da tán huyết do thương hàn ở trẻ sơ sinh, giun chui ống mật, rối loạn lipid máu, thiểu năng mạch vành, bệnh eczema dai dẳng ở trẻ em, viêm loét miệng, lám da.
Tuy nhiên, tác dụng của nhân trần là lợi mật, nhuận gan cho nên chỉ dùng khi túi mật bị viêm hay tắc, không tiết ra dịch, gan không nhuận. Nếu dùng hàng ngày, thường xuyên, làm nhuận gan quá mức - gan tiết ra nhiều dịch, trong khi nhu cầu cơ thể không cần đến sẽ làm mất cân bằng các chất và sinh ra bệnh tật. Như vậy, chỉ dùng nhân trần khi cơ thể có bệnh.
Với phụ nữ mang thai, khi không có bệnh lý gì về gan và không được bác sỹ chỉ định thì tuyệt đối không dùng nhân trần. Bởi dùng nhân trần rất dễ gây, sinh tăng tiết các tuyến trong cơ thể dẫn đến khi sinh, người mẹ có ít sữa cho con bú, thậm chí mất sữa hoàn toàn. Không những thế, nhân trần còn có tác dụng lợi tiểu, giúp thải loại các chất, bao gồm nước và cả chất dinh dưỡng. Do vậy, có thể dẫn đến tình trạng mất nước và không còn các chất dinh dưỡng để nuôi thai, khiến cho thai suy dinh dưỡng, thậm chí làm thai chết lưu.
Cũng như nhân trần, chó đẻ (diệp hạ châu) có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, lợi mật (tăng tiết dịch mật), lợi tiểu, giúp chữa các bệnh về gan, sỏi thận, sỏi mật nên khi sử dụng chó đẻ răng cưa sẽ làm tăng tiết các dịch ở gan và mật. Như vậy, chó đẻ cũng không có lợi cho sức khỏe khi các chức năng ở gan đã đầy đủ. Uống nhiều nước chó đẻ răng cưa có thể khiến gan bị lạnh hoặc tăng tiết quá mức, gây ra bệnh tật. Chó đẻ cũng gây bất lợi cho thai phụ khi dùng nhiều.
Việc dùng cam thảo kéo dài sẽ làm giảm lượng testosterone trong máu và gây yếu sinh lý. |
Chè đắng, cam thảo gây đau bụng, yếu sinh lý
Chè đắng còn được biết đến với những tên gọi khác như là khổ đinh trà, cây bùi, chè Khôm, chè Vua. Nó có vị đắng, ngọt, hơi chua, tính hàn, không có độc, tác dụng vào tâm, can, tỳ, phế, thận. Lá chè đắng có chứa saponin triterpenoid (5,1-5,5%), flavonoid, carotenoid có tác dụng chống lão hóa, chống ung thư gấp 7 lần chè xanh.
Theo Y học cổ truyền, chè đắng có tác dụng tán phong nhiệt, chữa cảm mạo, nhức đầu, ngứa mắt, viêm mũi, giải độc, làm giảm chứng run cơ (bệnh Alzermer), tiêu đờm, giảm ho, viêm phế quản, giảm tác hại của tiêu chảy, tăng cường tiêu hóa, ổn định thần kinh, tăng cường trí nhớ, lợi cho tim mạch, giải khát.
Theo y học hiện đại, qua nghiên cứu cho thấy, chè đắng có tác dụng làm giảm cholesterol, giảm mỡ máu, cao huyết áp, giúp tăng cường lưu thông máu, ngăn chặn sự suy thoái của chức năng tim và não, làm giãn phế quản, điều hòa mô mỡ, giảm tích tụ mỡ làm cho cơ thể cân đối, đồng thời có tác dụng kháng khuẩn cao, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Nếu dùng quá nhiều (vì chè đắng có tác dụng làm hưng phấn tinh thần, giúp tăng cường lưu thông máu, tăng cường co bóp cơ vân) có thể làm hạn chế sự hấp thu canxi ở ruột, hoặc gây ra các triệu chứng ói mửa, đau bụng, tiêu chảy do phản ứng phụ của một số thành phần hóa học có trong chè. Một số người cho rằng dùng chè đắng làm giảm testosterone - nội tiết tố ở nam giới nhưng hiện tại, chưa có nghiên cứu nào xác định ảnh hưởng của nó.
Tuy nhiên thông tin cam thảo ảnh hưởng tới chức năng sinh lý nam giới thì đã được xác định. Bác sĩ Mahmoud Mosaddegh và các đồng sự của ông thuộc trường Đại học Y khoa Shaheed Behesti (Iran) đã tiến hành thử nghiệm trên những người đàn ông khỏe mạnh. Kết quả là việc dùng cam thảo kéo dài đã làm giảm lượng testosterone trong máu.
Đó là vì cam thảo có thể làm giảm sinh lý của đàn ông do cam thảo chứa chất gluxigrin - làm giảm nội tiết tố nam, có thể gây nên tình trạng bất lực, liệt dương ở nam giới. Thực nghiệm cho 20 nam giới sử dụng nước chiết xuất của 1,3g cam thảo khô mỗi ngày, tương ứng với 400mg AG, dùng trong 10 ngày, kết quả lượng testosterone ở những người sử dụng cam thảo đã giảm đáng kể so với người bình thường.
Lưu ý khi dùng thảo dược mát gan - Sử dụng nhân trần kết hợp cam thảo có tác dụng nhất định vì nhân trần lợi tiểu, cam thảo giữ nước nên mang lại sự trung hòa và cân bằng, giảm hiện tượng mất nước. Tuy nhiên cách kết hợp này cũng không cho phép bạn dùng thoải mái. Mỗi ngày không nên dùng quá 1lit nước thanh nhiệt này. - Nếu thích chè đắng, bạn chỉ nên là 2-3 lá khô cho 1 ấm trà 1 người uống, pha nhiều lần và uống cho đến khi hết vị đắng. - Không tiêu thụ quá 100mg cam thảo/ngày. - Những người bị huyết áp thấp nên cẩn thận hơn vì một số thảo dược mát gan làm tụt huyết áp. |
Bài viết có sự tư vấn của Lương y đa khoa Bùi Hồng Minh
Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đinh, Hà Nội