Giống khoai tây màu tím độc lạ khiến nhiều người tò mò này từng được trồng ở Pháp từ thế kỷ 19. Chúng có lớp vỏ bên ngoài màu tím, đôi khi là tím xanh đậm, phần thịt khoai là màu tím sáng hơn, khác với màu vàng, trắng phần thịt lõi ở các loại khoai tây thường thấy.
Mặc dù khác biệt về màu sắc song hương vị (vị hạt dẻ) và dinh dưỡng của khoai tây tím vẫn có nhiều điểm giống với khoai tây vàng hay khoai tây đỏ.
So với khoai tây trắng, khoai tây tím có hàm lượng calo cao hơn. Chúng cũng như các loại hoa quả, rau củ có màu tím (việt quất, cà rốt) rất tốt cho sức khỏe.
Lá và thân cây giống khoai lạ này cũng có màu tím nhẹ.
Cũng giống như hầu hết các loại khoai tây, hàm lượng kali trong khoai tây tím có khả năng hỗ trợ điều hòa huyết áp. Ngoài ra, Anthocyanin - sắc tố màu tím trong khoai tây có lợi cho tim mạch, và hỗ trợ ngừa ung thư.
Bên cạnh đó, việc ăn một phần khoai tây một ngày sẽ cung cấp nguồn vitamin C và kali dồi dào, nhất là khi ăn khoai tây nguyên vỏ thì lượng chất xơ trong chế độ dinh dưỡng sẽ tăng đáng kể.
Màu sắc đẹp, lạ mắt, cộng thêm các chất dinh dưỡng, khoai tây tím được nhiều khách hàng lùng mua để bồi bổ sức khỏe và chế biến các món ăn hấp dẫn.
Màu tím của khoai tây sẽ được giữ bền nhất khi chúng được hấp hoặc nướng. Khoai tây nướng cả vỏ hay luộc tốt cho việc ăn kiêng. Các nhà khoa học cho biết mặc dù khoai tây cung cấp nhiều calo nhưng ăn khoai tây tím lại không gây béo phì.
Nhiều siêu thị ở Hà Nội cũng đã xuất hiện giống khoai tây tím của Mỹ.
Cũng như các loại khoai đỏ, trắng, vàng, điều kiện trồng và chăm sóc khoai tây tím có nhiều điểm tương đồng. Đất trồng ẩm nhưng cần thoát nước tốt, cây thích ứng với nhiệt độ mùa hè, và tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.
Thời gian trung bình từ 85 - 120 ngày kể từ khi trồng, khoai tây tím có thể cho thu hoạch. Độ dài của dây khoai từ 45-60cm.