Sau vụ trẻ 5 tuổi tử vong trên xe trường: Cần giám sát chặt việc đưa đón

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cùng với việc truy cứu trách nhiệm hình sự nhóm bị can tắc trách gây ra cái chết của cháu bé 5 tuổi ở Thái Bình, luật sư cho rằng, cơ quan chức năng cần ban hành quy định giám sát chặt chẽ việc đưa đón học sinh còn nhỏ tuổi của các trường trên toàn quốc.

Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa), vụ bé 5 tuổi tử vong vì bị bỏ quên trên xe ở Thái Bình là vụ việc thứ hai thể hiện sự tắc trách của người lớn khiến một đứa trẻ qua đời, gây thương xót, ám ảnh, phẫn nộ. Hồi tháng 8/2019, một học sinh lớp 1 tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón, xảy ra tại Trường Tiểu học Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội).

Những người liên quan như bà Nguyễn Bích Quy (nhân viên giám sát trên xe của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải và Du lịch Ngân Hà - Công ty Ngân Hà) nhận mức phạt 21 tháng tù về tội “Vô ý làm chết người”; Doãn Quý Phiến (lái xe đưa đón học sinh Trường Tiểu học Gateway) 10 tháng tù về tội “Vô ý làm chết người”; Nguyễn Thị Thủy (giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo, Trường Tiểu học Gateway) 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau vụ trẻ 5 tuổi tử vong trên xe trường: Cần giám sát chặt việc đưa đón ảnh 1

Trường Mầm non Hồng Nhung 2 ở Thái Bình.

“Nhìn từ vụ việc trường Gateway có thể thấy, nỗi đau của gia đình mất con không thể bù đắp, song một số bị cáo lại chịu án phạt quá nhẹ. Mức phạt này cần được xem xét lại đối với nhóm bị can trong vụ việc vừa xảy ra tại Thái Bình, phải nghiêm khắc hơn mới đủ răn đe”, luật sư Giáp nói.

Đối với trường học, luật sư khuyên, giáo viên các trường nên lập danh sách học sinh đăng ký đi xe đưa đón và danh sách học sinh bố mẹ tự đưa đón. Danh sách này, thầy cô chủ nhiệm lớp phải giám sát hằng ngày, nếu trường hợp vắng mặt học sinh phải liên lạc ngay với gia đình để nắm rõ nguyên nhân.

Đối với những em đi xe đưa đón của trường, khi đến điểm trả đầu giờ sáng, theo quy định, cô giáo quản lý sẽ phải kiểm tra xe một lượt rồi lái xe mới rời đi nhằm không bỏ sót học sinh. Vào đến lớp, cô giáo tiếp tục điểm danh sĩ số. Tương tự, lái xe cũng có trách nhiệm soát lại sau khi hành trình di chuyển kết thúc.

“Để tổ chức hoạt động xe đưa đón học sinh, nhà trường nên áp đặt nội quy chặt chẽ, giao trách nhiệm từng người trong chuỗi quy trình”, luật sư Giáp nêu. Theo ông, trong vụ việc xảy ra tại Trường Tiểu học Gateway hay Trường Mầm non Hồng Nhung 2, lái xe, cô phụ trách hay cả cô chủ nhiệm đã bỏ qua khâu không kiểm tra còn người trên xe hay không đã khoá cửa xe đi về; cô giáo chủ nhiệm đã chụp ảnh điểm danh nhưng lại không liên lạc với gia đình khi thấy học sinh vắng mặt không lý do. Như vậy là họ chưa làm tròn trách nhiệm.

MỚI - NÓNG