Sau vụ lập khống 57 hồ sơ xét xử: Chánh toà Đắk Nông nói gì về áp lực tỉ lệ án huỷ

0:00 / 0:00
0:00
Ông Ngô Đức Thọ, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông trao đổi với phóng viên Tiền Phong
Ông Ngô Đức Thọ, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông trao đổi với phóng viên Tiền Phong
TPO - Vì để đạt tỉ lệ án hủy dưới 1,16%, một thẩm phán ở Đắk Nông đã lập đến 57 hồ sơ khống. Ông Ngô Đức Thọ, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông nói gì về áp lực “án huỷ” đối với các thẩm phán?

Vừa qua, dư luận xôn xao về vụ 3 cán bộ đang công tác trong ngành tòa án ở Đắk Nông bị kỷ luật vì để cấp dưới lập 57 hồ sơ khống. Chủ mưu trong vụ việc được TAND tỉnh xác định là một thẩm phán sơ cấp, có tỉ lệ án hủy vượt mức quy định 1,16% của TAND Tối cao nên đã tạo ra vụ việc nhằm nâng cao lượng án giải quyết, giảm tỉ lệ án hủy để được tái bổ nhiệm vào năm 2017.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định tỉ lệ án hủy trong một nhiệm kỳ của thẩm phán phải dưới 1,16% mới được xem xét tái bổ nhiệm đang tạo ra cuộc chạy đua thành tích, dễ nảy sinh tiêu cực trong hoạt động xét xử. Để rộng đường dư luận, PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Đức Thọ, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông xung quanh vấn đề này.

Theo ông, phải chăng quy định tỉ lệ án hủy phải dưới 1,16% đang gây áp lực, khiến công chức tòa án dễ vi phạm?

Một vụ án đơn giản để xử phải mất đôi tháng, vụ phức tạp có khi kéo dài cả năm vì còn chờ các kết quả khác (như định giá, thẩm định giá,…). Do đó, nếu không áp dụng chỉ tiêu án hủy dưới 1,16% sẽ xảy ra nhiều bất cập. Thẩm phán sẽ xét xử tùy tiện, cảm tính; hoặc bị cám giỗ, chi phối từ nhiều phía, nếu không đủ bản lĩnh họ rất dễ sa ngã, tiêu cực. Với chỉ tiêu án hủy 1,16%, nếu anh vượt quá số lượng án hủy sẽ bị hạ thi đua, đánh giá xếp loại cuối năm, thậm chí không được tái bổ nhiệm nếu đến kỳ.

Quy định này cũng giúp người dân sớm tìm ra công lý, đỡ phiền hà, tốn kém khi tham gia tố tụng. Bởi lẽ, nếu một vụ án bị hủy (sơ thẩm lên phúc thẩm, giám đốc thẩm tuyên hủy điều tra, xét xử lại) thì các bên phải tham gia tố tụng lại từ đầu.

Lãnh đạo TAND Tối cao luôn luôn kêu gọi, động viên tòa các cấp cố gắng làm sao giảm đến mức thấp nhất án hủy và tăng tỷ lệ giải quyết án. Đó là những mục tiêu của cải cách nền tư pháp.

Trở lại với thực trạng nhiều công chức ngành tòa án ở Đắk Nông xin nghỉ việc nhiệm kỳ 2016-2021, ông nhận định nguyên nhân là gì?

Số lượng vụ án xử lý ở 2 cấp TAND tỉnh Đắk Nông ngày càng tăng, nhưng biên chế phải giảm. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, TAND 2 cấp ở Đắk Nông đã giải quyết các vụ án tăng hơn nhiều so với nhiệm kỳ trước (tăng hơn 7.000 vụ, trung bình mỗi năm giải quyết tăng hơn 1.500 vụ). Nhiệm kỳ qua, TAND Tối cao giao cho TAND tỉnh Đắk Nông phải tinh giản biên chế 14 người (trong đó cấp tỉnh 5; cấp huyện, thành phố 9). Tuy nhiên, chưa cần thực hiện tinh giản thì nhiệm kỳ rồi đã có 20 người nghỉ việc, chuyển công tác. Những người này sau đó chỉ cần đi học thêm 12 tháng lập tức thành công chứng viên, lương cao gấp đôi, có nơi được trả 30 triệu đồng/tháng. Thực tế hiện nay chúng tôi vừa thiếu Thẩm phán, thiếu Thư ký, nhưng chúng tôi không được tuyển thêm.

Số lượng án xét xử ở Đắk Nông ngày càng tăng, xin ông cho biết lý do?

Ở Đắk Nông chủ yếu án dân sự về tranh chấp đất đai, rất khó giải quyết. Nguyên nhân bởi công tác quản lý đất đai trước đây có một thời buông lỏng. Có nơi, cán bộ địa chính tắc trách hoặc không có phương tiện đo đạc đầy đủ dẫn đến cấp sổ đỏ chồng lấn, cấp nhầm, cấp không đúng diện tích. Khi người dân kiện thì họ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp. Chưa kể, có miếng đất có thể chuyển nhượng cho từ 5-7 người…

Ngoài ra, thực tế hiện nay nhiều thẩm phán năng lực còn hạn chế, thiếu ý chí phấn đấu rèn luyện, thiếu nỗ lực cố gắng. Tôi xin thưa, những người tốt nghiệp ngành Luật ở Hà Nội, TP.HCM xếp loại giỏi, khá rất ít người xin về công tác ở Đắk Nông. Nếu có về đây, họ không xin vào tòa án mà xin vào mấy ngành khác. Chưa kể, một số cán bộ Thẩm phán do cuộc sống khó khăn, lấy vợ sinh con rồi phải kiếm thêm nghề tay trái, dù chính đáng nhưng họ sẽ bị phân tán công việc. Làm nghề này, không chịu học hỏi, bồi dưỡng thường xuyên rất dễ để xảy ra hủy án. Do đó, với ngành tòa án, trước hết phải yêu nghề, có đam mê, khát vọng thì mới trụ lại và phát triển được.

“Quan tòa” hay được ví von như người nắm “quyền sinh, quyền sát”, vậy bản thân ông làm việc đến nay thấy sao?

Nhiều người hay nói, ở vị trí như chúng tôi mới có quyền lực nhưng đằng sau đó là cả một sự dằn vặt, trăn trở, áp lực. Một số lớn anh em trong ngành không cho con, cháu nối nghiệp vì biết hết rồi, quá khổ, quá áp lực. Có thể họ vẫn cho con đi học Luật, yêu nghề nhưng làm Luật sư, Công chứng viên, phòng Pháp chế ở các công ty… đỡ căng thẳng mà thu nhập lại cao.

Với TAND tỉnh Đắk Nông, lượng án của chúng tôi năm nay tăng hơn 600 vụ, trong khi chỉ có 7 Thẩm phán trực tiếp giải quyết án (tổng số 11 Thẩm phán nhưng có 4 lãnh đạo gồm 1 Chánh án và 3 Phó chánh án phải họp hành nhiều). Áp lực nhiều nhưng chúng tôi phải cố gắng không để án hủy trên 1,16%, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương.