Có mặt tại các huyện Yên Thành, Đô Lương, chúng tôi chứng kiến hai bên đường quốc lộ 7, rất nhiều người dân đang chờ xe, hành lí chất cao, xếp dài. Người phụ nữ chờ lâu quá, mệt mỏi ngồi trên ba lô của mình, còn những đứa trẻ ngủ gục trên tay bố mẹ.
Anh Nguyễn Đình Minh (SN 1972, xã Mỹ Thành, Yên Thành) cho biết: “Tôi đã đặt vé xe cho gia đình đi Sài Gòn từ trước tết, phải đặt sớm như thế mới có vé chứ để ngày hôm nay đi và đặt luôn thì không còn vé đâu. Nhà xe gọi điện ra đợi từ 1 tiếng trước nhưng giờ vẫn chưa thấy”.
Theo anh Minh, trong công ty gỗ mà anh đang làm, người Nghệ An vào đó rất nhiều, hầu hết họ là lao động chính trong gia đình. “Ruộng vườn ít, ở quê lại không có việc làm nên từ khi sinh đứa con thứ 2 là vợ chồng chúng tôi quyết định vào Nam kiếm sống”, anh Minh nói.
Tại thị trấn Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, cảnh tượng trên tiếp tục diễn ra. Khuôn mặt ủ rũ, cuộc chia tay thêm buồn bã. Trên quốc lộ 46 giao với đường tránh Vinh (đoạn qua huyện Hưng Nguyên) là nơi tập trung người dân chờ đợi bắt xe nhiều nhất. Từng tốp khoảng 10 người đứng hai bên đường, kẻ ra Bắc, người vào Nam mong ngóng chuyến xe mà mình có thể đi.
Chị Nguyễn Ánh Nguyệt (SN 1975, trú tại xã Nam Giang, huyện Nam Đàn) cho biết: “Tôi chở chồng ra bắt xe đi Tây Nguyên, anh ấy vừa lên xe xong, xe đi Tây Nguyên ít và cũng chờ đợi lâu quá. Chuyến thứ nhất thì giá quá đắt, chuyến thứ hai lại đông khách, chuyến thứ ba thì chồng tôi chẳng hỏi giá hay nhìn xe có đông khách không nữa, anh ấy phải vào để kịp đi làm. Chồng tôi làm bảo vệ cho một công ty gỗ ở Đắk Nông”. Tiếng thở dài của người thiếu phụ là tiếng lòng chung của người thân phải ly biệt, ly hương khi Tết vừa dứt.
Theo quốc lộ 46 tới bến xe Vinh, người dân từ các huyện đổ về bến xe ngày một nhiều hơn, trên nét mặt của mỗi người là sự hối hả sao cho mình có vé xe đi trong ngày. Hàng loạt xe khách nườm nượp nối đuôi nhau ra vào bến. Ba lô trên vai, mọi người đi tìm chuyến xe mình cần.
Ở trong nhà chờ và phòng bán vé của bến xe Vinh, 6 hàng ghế chờ chật cứng người. Ghế ngồi biến thành giường nằm. Ở các ghế đá, gốc cây bên ngoài, nhiều người kê đầu ngủ trên hành lí của mình, sự mệt mỏi hiện rõ trên từng khuôn mặt.
Chuyến xe đi Điện Biên, Lai Châu, Quảng Ninh, Hải Phòng không còn chỗ, khách giành nhau mua vé, có lúc tạo nên sự hỗn loạn. Lực lượng bảo vệ, người bán vé làm việc liên tục mới ổn định và đáp ứng được nhu cầu của khách.
Trao đổi với Tiền Phong, Ông Vũ Hoàng Huynh - Trưởng bến xe Vinh, thuộc Công ty CP bến xe Nghệ An cho biết: “Để phục vụ cho nhân dân và hành khách sau đợt nghỉ tết và bắt đầu đi làm mà xuất phát từ bến xe Vinh, chúng tôi đã bố trí các đầu xe du lịch chuẩn bị trước 30 chiếc, phối hợp với các công ty có xe hợp đồng trên địa bàn tỉnh cũng như các xe dự phòng tăng cường của các doanh nghiệp nhằm tránh tình trạng thiếu xe, chờ xe tồn đọng ở bến. Những tuyến cao điểm nhất là Hà Nội và Đà Nẵng cũng đã bố trí xe tăng cường”. Bến xe Vinh đã huy động tối đa nhân lực, đảm bảo an ninh và bán vé cho khách từ 4 giờ sáng đến 23 giờ đêm, trực 24/24h.
Ông Hà Tiến Sơn - Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Nghệ An nói: “Sở đã chỉ đạo quyết liệt, không để tình trạng ùn ứ khách hay xe chưa đạt chất lượng, lái xe, phụ xe cũng phải làm đúng quy định. Xử lý nghiêm các trường hợp nhà xe vi phạm. Các xe khách chở hàng mà không chở khách thì buộc phải gỡ hàng đúng theo yêu cầu. Trường hợp bán vé cao hơn so với quy định của nhà nước thì sẽ đặc biệt xử lý nghiêm”.
Tại các ven đường quốc lộ, người dân mòn mỏi chờ xe để kịp công việc.
Mang hành lý hối hả đi tìm chuyến xe mình cần.
Hành khách chen lấn mua vé.
Nhà chờ trong khu vực bến xe Vinh chật cứng người.
Hành lý thành giường nằm, sự mệt mỏi hiện rõ trên từng khuôn mặt.
Lao động Nghệ An lại ồ ạt kéo về các khu công nghiệp tập trung để làm việc sau những ngày nghỉ tết.