Gà gáy giữa nội đô
Trong và sau Tết Nguyên đán, nhiều khu dân cư ở Hà Nội rộ tiếng gà gáy vào sáng sớm. Chị Lê Thu Hòe, ở ngõ 110 đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) kể, “đang ở thành phố mà nhiều lúc giật mình tưởng ở quê”.
Mấy hôm nay, vào sáng sớm, chị bị đánh thức bởi tiếng gà gáy của những nhà hàng xóm. Chị kể, một số nhà hàng xóm, trong Tết được cho gà nhưng ăn không hết nên để lại nuôi. Họ tận dụng ban công và những khoảng trống để nuôi gà, chủ yếu nuôi trong lồng.
Tại khu tập thể Trung Tự (Đống Đa, Hà Nội) những ngày này cũng râm ran tiếng gà. Anh Nguyễn Văn Nam, người dân khu tập thể cho biết, trước Tết, gia đình anh được họ hàng ở dưới quê gửi biếu năm con gà. Cả dịp Tết mới hết ba con, còn hai con, vợ chồng anh để nuôi đến rằm tháng giêng.
Nhiều người dân tại phường Khương Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết, cứ sáng sáng tiếng gà gáy râm ran lại vang lên từ sân thượng của không ít hộ gia đình trong khu vực này.
Gà nuôi thả rông ở khu tập thể Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hoài
Nhiều hộ gia đình ở Hà Nội hiện nay có phong trào tận dụng ban công, sân thượng để nuôi gà. Anh Đình Hậu, ngõ 164 Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân, Hà Nội cho hay, gia đình anh rất thích thịt gà nhưng xem tivi thấy gà thải loại, gà tăng trọng nhiều quá nên ít khi mua.
Gần đây, về quê anh mua chục con gà để nuôi ở sân. “Không gian hẹp, nuôi gà dễ gây mất vệ sinh và tạo tiếng ồn nữa nên mình không dám nuôi nhiều”, anh Hậu kể.
Quan sát của phóng viên tại khu tập thể Trung Tự chiều 7/2, khá nhiều gà thả rông, kiếm ăn ở ngay phố, có cả các loại gà cảnh như gà tre cho đến các giống gà lấy thịt khác.
Việc nuôi gà ở phố hiện nay cũng thu hút sự quan tâm của khá nhiều người. Trên các diễn đàn, nhiều chủ đề về nuôi gà ở thành phố được lập ra để chia sẻ kinh nghiệm như “Hội các mẹ thích nuôi gà ở Hà Nội” trên diễn đàn làm cha mẹ.
Thành viên ginnyweasley cho hay, thực phẩm hiện nay bị ô nhiễm nên lúc nào cũng sợ. Sau khi xây xong nhà, mình tính trồng rau, nuôi gà…”. Nhiều thành viên khác cũng chia sẻ ý tưởng và kinh nghiệm nuôi gà ở thành phố.
Chính quyền chịu thua?
Ông Nguyễn Quốc Thành, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá (quận Ba Đình) cho biết, dù đã có quy định không được nuôi gia súc, gia cầm ở khu dân cư đông người nhưng với địa hình khu vực nằm ngoài đê sông Hồng nên trên địa bàn phường vẫn có nhiều hộ dân nuôi gia cầm, đặc biệt là có nhiều hộ dân nuôi gà chọi, gà cảnh.
“Dù các hộ nuôi gà chọi, gà cảnh khác với cách nuôi gà thường để thịt nhưng trước nguy cơ dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp chúng tôi cũng rất lo. Đối với các hộ này, chúng tôi yêu cầu khi nuôi phải có cam kết về các điều kiện nuôi nhốt để làm sao không ảnh hưởng tới môi trường và mỹ quan chung của các hộ xung quanh, đặc biệt là công tác phòng dịch bệnh”, ông Thành nói.
Theo ông Nguyễn Công Ích, Chủ tịch UBND phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân), dù đã được tuyên truyền phổ biến thường xuyên nhưng hiện tượng các hộ dân tự nuôi gà vẫn diễn ra gây mối nguy ngại về dịch cúm gia cầm.
“UBND phường thường xuyên kết hợp với ngành thú ý tuyên truyền, kiểm tra xử lý các hộ dân vi phạm. Riêng trước Tết Nguyên đán, chúng tôi đã kết hợp kiểm tra xử lý hai trường hợp vi phạm, tuy nhiên để mà xử lý triệt để cũng rất khó”, ông Ích cho biết.
Trao đổi với Tiền Phong, bà Đỗ Thị Tú-Trạm trưởng Trạm Thú y Đống Đa cho hay, trước tình trạng dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, nếu các hộ dân nuôi gà, vịt trong khu dân cư lỡ bị nhiễm dịch cúm thì tốc độ lây lan sẽ rất nhanh, hậu quả khôn lường.
“Đúng là hiện có tình trạng trong khu dân cư nhất là dịp sau Tết nhiều người dân nuôi thả gà và gia cầm, họ lấy lý do thực phẩm không an toàn nên phải tự nuôi tự sản xuất để tiêu dùng cho an toàn”
Trạm trưởng Trạm Thú y quận Đống Đa (Hà Nội) Đỗ Thị Tú
“Từ năm 2005, TP Hà Nội đã có quy định cấm các hộ dân chăn nuôi, giết mổ ở khu vực nội thành, tuy nhiên thực tế hiện nay các hộ trong nội thành vẫn nuôi giết gia cầm sống nhất là tình trạng nuôi thả gà. Ở quận Đống Đa dù trên địa bàn 21 phường có nhiều hộ vẫn nuôi gà ở trên sân thượng hay ở các khu đất trống nhưng vẫn chưa thể xử lý trường hợp nào, mà chủ yếu tuyên truyền nhắc nhở và yêu cầu phải giết mổ ngay chứ không được tiếp tục nuôi nhốt trong khu dân cư”, bà Tú nói.
Theo bà Tú, khi các lực lượng đến kiểm tra thường thì người dân cho rằng, họ chỉ nuôi những con gà cảnh, gà tre hay là những gà thịt mà được bà con ở quê biếu cho nuôi vài ngày để giết thịt nên việc xử lý rất khó khăn.
Đối với những trường hợp nuôi gà trên sân thượng hay ở khu dân cư đông đúc bị phát hiện thường là những trường hợp có đơn khiếu kiện của các hộ dân xung quanh khi ấy phường mới phối hợp với trạm thú y để kiểm tra xử lý.
“Đúng là hiện có tình trạng trong khu dân cư nhất là dịp sau Tết, nhiều người dân nuôi thả gia cầm, họ lấy lý do thực phẩm không an toàn nên phải tự nuôi tự sản xuất để tiêu dùng cho an toàn. Quy định các trường hợp này là tiêu huỷ, nhưng thực tế xử lý rất khó, trong thời gian qua, chỉ mới xử lý xử phạt hành chính đối với các trường hợp giết mổ không đúng quy định mà thôi”, bà Tú cho biết.