Đã 6 năm qua, JETRO đầu tư kinh phí thuê các đơn vị điều tra và lập danh sách các DN phụ trợ Việt Nam để giới thiệu cho các nhà sản xuất của họ. Tuy nhiên số DN được JETRO điểm tên cũng chỉ vài trăm (như năm 2013 chỉ 150 DN). Ngoài ra, hằng năm JETRO tổ chức các triển lãm công nghiệp hỗ trợ để DN Nhật tìm nhà cung ứng Việt. Mới đây Tập đoàn Samsung này cũng chi tiền tổ chức một hội thảo lớn tại Hà Nội để tìm kiếm các nhà cung ứng Việt).
Trao đổi với Tiền Phong, ông Atsusuke Kawada-Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho biết, các DN nước ngoài thường chủ động tìm nhà cung ứng nội vì họ có động lực từ giá vật tư trong nước sẽ rẻ hơn của DN FDI hoặc nhập khẩu. “Tuy nhiên, hiện các DN Nhật Bản muốn thu mua linh kiện DN trong nước rất khó, nên họ phải phụ thuộc linh kiện, nguyên liệu của các DN FDI hoặc nhập khẩu”, ông Atsusuke Kawada nói.
Khảo sát của JETRO năm 2013 cho thấy, có 71% DN Nhật nói việc mua nguyên liệu, linh kiện từ DN Việt còn khó khăn. Linh phụ kiện DN Nhật mua của DN Việt năm 2013 giảm 3% so với năm 2012. “Các DN FDI Nhật đều mong muốn mua nhiều hơn phụ kiện từ DN Việt. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm của DN trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu”, ông Atsusuke Kawada nói. Vị này dẫn chứng, với khuôn mẫu cung ứng cho DN Nhật, các DN trong nước chưa đạt kỹ thuật xử lý bề mặt khuôn (chưa đủ độ mịn), sản phẩm chưa đạt kỳ vọng của họ; hay việc cung ứng ốc vít DN Việt chưa có bước tiến đáng kể (kỹ thuật và chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu)…
Ông Atsusuke Kawada cho biết, không ít DN Nhật nói rằng, nếu DN Việt có sản phẩm tốt, đáp ứng được yêu cầu họ sẵn sàng cam kết mua số lượng lớn và dài hạn. Cũng theo vị này, những công ty lớn như Canon, Toyota muốn mua phụ tùng của Việt Nam nhiều hơn, nhưng chưa đủ (hoặc chưa đạt yêu cầu) nên phải mua của Thái Lan, Trung Quốc... Do đó, ông Atsusuke Kawada kiến nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ DN phụ trợ nhiều hơn, đặc biệt về vốn (với lãi suất thấp) và chú trọng đào tạo công nhân, kỹ sư trong công nghiệp phụ trợ.
Theo điều tra của JETRO tại các quốc gia khu vực châu A - Thái Bình Dương, năm 2013, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam mới đạt 32,2% (tăng 5% so với năm 2012). Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa của Trung Quốc đạt 64%, Thái Lan 53%, Malaysia 42%, Indonesia 41%.