Sau nới lỏng giãn cách xã hội, ôtô đi kiểm định tăng đột biến

0:00 / 0:00
0:00
Xe ô tô xếp hàng dài chờ đăng kiểm sau nới lỏng giãn cách ở Hà Nội
Xe ô tô xếp hàng dài chờ đăng kiểm sau nới lỏng giãn cách ở Hà Nội
TP - Thông tư 16/2021/TT-BGTVT (quy định mới về đăng kiểm phương tiện) có hiệu lực từ 1/10 với nhiều điểm thuận lợi. Cùng với việc Hà Nội nới lỏng giãn cách, lượng phương tiện làm thủ tục đăng kiểm tăng đột biến.

Tại một số trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Hà Nội, lượng xe đến làm thủ tục đăng kiểm những ngày gần đây tăng mạnh. Theo lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm, hiện nay do xe khách tuyến cố định, xe hợp đồng chưa được chạy, khách hàng chủ yếu là xe cá nhân. Trong thời gian tới, khi hoạt động vận tải hành khách được phép hoạt động, lượng xe đăng kiểm sẽ còn tăng.

Ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-03S (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) cho biết, Thông tư 16/2021/TT-BGTVT (quy định mới về đăng kiểm phương tiện) có hiệu lực từ 1/10, có nhiều điểm mới thuận lợi cho người dân nên lượng xe đến đăng kiểm có tăng. Đặc biệt là sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách lượng xe đến đăng kiểm tăng 30% so với ngày thường.

Điểm mới của Thông tư 16/2021/TT-BGTVT (quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) chủ yếu tác động đến nhóm vận tải hành khách.Theo đó, khách hàng làm thủ tục vay vốn ở các tổ chức tín dụng, khi đăng kiểm chỉ cần có giấy biên nhận phương tiện đang thế chấp ở tổ chức tín dụng mà không cần công chứng các giấy tờ khác…

Đối với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải có thời hạn sản xuất đến 5 năm, chu kỳ kiểm định lần đầu sẽ là 24 tháng, tăng 6 tháng so với quy định hiện nay. Các chu kỳ kiểm định tiếp theo có thời hạn 12 tháng/lần (tăng 6 tháng). Tuy nhiên, sau thời hạn 5 năm và đối với xe đã sản xuất trên 5 năm, chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 6 tháng/lần như hiện nay.

Theo ông Hải, Thông tư 16/2021/TT-BGTVT còn liên quan đến việc các phương tiện kinh doanh vận tải khi đăng kiểm cần phải trang bị hệ thống camera giám sát trong xe (đối với các phương tiện bắt buộc phải lắp đặt theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP) khiến quá trình đăng kiểm sẽ có thêm một số hạng mục để kiểm tra nên sẽ mất thêm thời gian.

Tuy nhiên, hiện Cục Đăng kiểm chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung và số lượng xe khách tuyến cố định, xe hợp đồng chưa được phép hoạt động nên số lượng xe này đến đăng kiểm gần như không có nên chưa biết mức độ thế nào.

“Dù các cơ quan chức năng cho lùi thời gian xử phạt với các phương tiện chưa lắp camera giám sát đến 1/1/2022, Cục Đăng kiểm chưa thông báo (hướng dẫn cụ thể về việc kiểm tra camera giám sát nhưng theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP), những xe chưa lắp camera theo quy định khi đăng kiểm đều không đạt yêu cầu. Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP, chúng tôi yêu cầu đơn vị, cá nhân phải lắp mới chấp nhận đăng kiểm”, ông Hải nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-08D (Cụm CN Lai Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: “Cục Đăng kiểm chưa có hướng dẫn cụ thể về việc kiểm tra hạng mục camera. Hiện nay, chúng tôi mới đang làm việc với một số đơn vị cung cấp phần mềm, sau khi hoàn thành kết nối dữ liệu với Cục Đăng kiểm mới triển khai kiểm tra camera giám sát”, ông Dương nói.

MỚI - NÓNG