Sau Mỹ, Israel vận động EU ủng hộ vấn đề Jerusalem

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và quan chức phụ trách đối ngoại châu Âu Federica Mogherini tại cuộc họp ở Brussels. Ảnh: EIPA.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và quan chức phụ trách đối ngoại châu Âu Federica Mogherini tại cuộc họp ở Brussels. Ảnh: EIPA.
TP - Trong lúc các cuộc biểu tình đang lan từ châu Á qua Trung Đông đến Bắc Phi để phản đối quyết định của Mỹ về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Thủ tướng Israel đến Brussels để vận động sự hậu thuẫn của các bộ trưởng châu Âu.

Trong chuyến thăm đầu tiên đến Brussels của người đứng đầu chính phủ Israel trong 22 năm qua, ông Benjamin Netanyahu hôm qua nói với các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) rằng đã đến lúc họ “công nhận sự thật”. Ông nói rằng EU nên theo bước đi của Tổng thống Mỹ Donald Trump.“Đã đến lúc người Palestine công nhận nhà nước Do Thái cũng như công nhận thực tế rằng nhà nước ấy có thủ đô gọi là Jerusalem”, ông Netanyahu nói. Thủ tướng Israel cũng nói rằng ông tin tưởng “tất cả, hoặc hầu hết các nước châu Âu sẽ dời đại sứ quán về Jerusalem, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và hợp tác mạnh mẽ với chúng tôi vì an ninh, hoà bình và thịnh vượng”. Ông Netanyahu còn gọi việc Liên Hợp Quốc không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là điều “đáng buồn cười”.

Phóng viên hãng tin Al Jazeera của Qatar đưa tin từ Brussels rằng, đa số các bộ trưởng EU không ủng hộ bước đi của Mỹ. “Có một vài nước EU như Séc và Hungary nói rằng họ sẽ làm theo Mỹ, nhưng phần lớn các nước nói rằng không nên làm điều đó bây giờ. Họ cho rằng con đường cần đi là giải pháp hai nhà nước”, Al Jazeera viết.Về phần mình, bà Federica Mogherini, quan chức phụ trách đối ngoại của EU, khẳng định khối này sẽ tiếp tục công nhận “sự đồng thuận quốc tế” đối với Jerusalem. Bà nhắc lại cam kết của EU về giải pháp hai nhà nước và rằng lợi ích của Israel là tìm kiếm một giải pháp bền vững cho cuộc xung đột với Palestine.

Tiếp đón ông Netanyahu tại Paris hôm 10/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là “mối đe dọa cho hoà bình”. Thủ tướng Anh Theresa May trước đó nói rằng chính phủ của bà không đồng ý với quyết định của Mỹ vì “không giúp ích cho triển vọng hoà bình ở khu vực”, báo Anh Telegraph đưa tin.

Bà Eliana Capretti, giám đốc truyền thông của tổ chức EuroMed Rights, nói với Al Jazeera rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về khả năng nâng cấp quan hệ giữa Israel và EU cũng sẽ gửi đi tín hiệu sai về quan điểm của khối đối với Israel và Palestine. “Thực sự là cuộc gặp lần này có nguy cơ chuyển đi thông điệp về sự ủng hộ chính sách chiếm đóng của Israel. Để tránh điều đó, EU nhân dịp này khẳng định chắc chắn quan điểm về hồ sơ nhân quyền của Israel và tuyên bố rõ quan điểm về vấn đề hai nhà nước”, bà Capretti nói.

Malaysia sẵn sàng điều quân đến Jerusalem

Đáp lại bước đi của Tổng thống Trump đối với Jerusalem, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cuối tuần qua khẳng định nước này sẵn sàng gửi quân đến Jerusalem trong tình hình cần thiết.“Chúng tôi sẵn sàng chấp hành bất kỳ mệnh lệnh nào của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang…trong tình huống cần thiết”, báo Malaysia Mail Online dẫn lời ông Hussein phát biểu cuối tuần qua.

Là đất nước có đa số dân số theo đạo Hồi, Malaysia từ lâu đã ủng hộ ước nguyện độc lập của Palestine, kết thúc cuộc đấu tranh dai dẳng nhiều thập kỷ vẫn đang chi phối chính trị Trung Đông. “Đầu tuần này chúng tôi rất sốc trước tin tức đáng ngại sẽ ảnh hưởng đến ổn định địa chính trị toàn cầu”, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia nói. Ông Hussein cho rằng việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel không khác gì cái tát vào mặt cả thế giới Hồi giáo.

Tuy nhiên, Hội những người yêu nước Malaysia lên tiếng chỉ trích tuyên bố của Bộ trưởng Hussein về việc sẵn sàng điều quân đến Jerusalem là “không khôn ngoan”.“Xung đột quốc tế ở Jerusalem là vấn đề chính trị. Tốt nhất là để ngoại giao giải quyết mớ hỗn độn lịch sử này. Nếu ngoại giao thất bại, bước hành động tiếp theo là chỉ trích quốc tế. Tuyên bố mù quáng về cam kết điều quân là điều thiếu khôn ngoan”, báo Free Malaysia Today dẫn lời Chủ tịch Hội, ông Mohd Arshad Raji.Trước đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói rằng dù ông phản đối quyết định của Tổng thống Trump nhưng quan hệ hai nước không bị ảnh hưởng, tuy nhiên ông cảnh báo bước đi này sẽ làm phức tạp quá trình tiến tới giải pháp hai nhà nước.

Trong khi đó, làn sóng biểu tình phản đối Mỹ vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi như Li-băng, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco, dải Gaza…Hôm qua, một nhân viên an ninh Israel bị một người Palestine đâm vào ngực tại một bến xe buýt ở Jerusalem và đang trong tình trạng nguy kịch, Reuters đưa tin.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.