Sau mưa lũ, người dân vùng rốn lũ Nghệ An 'khát' nước sạch

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau lũ, nguồn nước sinh hoạt của bà con bị hòa vào lớp bùn đất, không thể sử dụng. Cán bộ y tế đi từng nhà để xử lý nguồn nước cũng như khử khuẩn môi trường xung quanh, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, huyện Quỳ Châu là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng. Hiện, các lực lượng chức năng, người dân vẫn đang khắc phục thiệt hại do đợt lũ gây ra.

Lũ rút, bà con phải đối mặt với việc thiếu nước sinh hoạt, do nguồn nước đã bị bùn đất hòa lẫn, không thể sử dụng. Bên cạnh đó, nhiều công trình, đường ống dẫn nước cũng bị nước lũ cuốn trôi, làm nứt gãy, chưa thể khắc phục.

Sau mưa lũ, người dân vùng rốn lũ Nghệ An 'khát' nước sạch ảnh 1

Nguồn nước sinh hoạt bị đục ngầu, không thể sử dụng sau mưa lũ.

Bác sĩ CKII Đặng Tân Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu (Nghệ An) cho biết, sau khi nước lũ rút, trung tâm đã cử nhiều cán bộ xuống tận nhà dân để hỗ trợ bà con xử lý nguồn nước, khử khuẩn môi trường xung quanh. Ngoài các cán bộ của trung tâm, các Trạm y tế xã, thị trấn cũng tỏa đi khắp 12 xã, thị trấn để hỗ trợ, hướng dẫn bà con vệ sinh cá nhân, môi trường và xử lý nước sinh hoạt.

Nhanh tay xử lý nguồn nước, chị Nguyễn Thị Hiền, cán bộ Trạm y tế thị trấn Tân Lạc chia sẻ: “Sau khi nước rút, cán bộ, nhân viên được chia thành từng nhóm để hỗ trợ làm sạch nguồn nước sinh hoạt cho bà con. Trung bình 1 khối nước đục sẽ hòa vào từ 1,5 – 3 gam Chloramin B để khử nước, làm bùn lắng xuống để tách nước sạch có thể sử dụng”.

Sau mưa lũ, người dân vùng rốn lũ Nghệ An 'khát' nước sạch ảnh 2

Nhiều giếng nước ở huyện Quỳ Châu bị ô nhiễm

Ông Võ Thái Tịnh - Chủ tịch UBND thị trấn Tân Lạc cho biết, đợt mưa lũ vừa qua khiến 6/6 khối của thị trấn đều ngập trong biển nước. Hiện nay, công tác khắc phục hậu quả vẫn đang triển khai, trong đó, ưu tiên hàng đầu là đáp ứng nguồn nước sạch cho bà con.

“Hầu hết nguồn nước trên địa bàn đều bị ô nhiễm do mực nước dâng quá cao. Hiện nay, bà con vừa mua nước dùng tạm, vừa dùng các loại hóa chất để xử lý nguồn nước. Một số bể nước do bị ô nhiễm quá nặng phải dùng máy bơm hút hết, đồng thời, dọn vệ sinh, chờ đợt mưa tiếp sẽ hứng cho đợt mới”, ông Tịnh cho hay.

Sau mưa lũ, người dân vùng rốn lũ Nghệ An 'khát' nước sạch ảnh 3

Nước đục phải dùng các loại hóa chất để khử khuẩn, làm bùn lắng xuống mới sử dụng được.

Hiện nay, huyện Quỳ Châu đã chỉ đạo cán bộ y tế đưa hóa chất để làm sạch nguồn nước sinh hoạt, đến nay, đã hỗ trợ cho các xã hơn 20.000 viên Aquatabs và lượng lớn Chloramin B để xử lý nguồn nước sinh hoạt. Hướng dẫn các hộ dân cách sử dụng cũng tuyên truyền về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sau lũ. Ngoài ra, các nhân viên y tế cũng đang tập trung phun tiêu độc, khử trùng tại các chuồng trại chăn nuôi, tránh bùng dịch sau lũ.

Sau mưa lũ, người dân vùng rốn lũ Nghệ An 'khát' nước sạch ảnh 4
Cán bộ y tế kiểm tra nguồn nước sau lũ.

Đối với các công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng, cuốn trôi đường ống dẫn nước, huyện Quỳ Châu đang chỉ đạo các xã báo cáo, tổng hợp để cân đối các nguồn, tiến hành khôi phục để đảm bảo ổn định nguồn nước sinh hoạt cho bà con.

Sau mưa lũ, người dân vùng rốn lũ Nghệ An 'khát' nước sạch ảnh 5
Cán bộ y tế đi từng nhà làm sạch nguồn nước sinh hoạt cho người dân

Để đảm bảo sức khoẻ cho người dân vùng lũ, Sở Y tế Nghệ An cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa bão và lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh phát sinh.

MỚI - NÓNG