Sau khi metro trả mặt bằng, đường Lê Lợi tràn ngập... rác thải
TPO - Vừa mới được hoàn trả mặt bằng chưa được bao lâu, trục đường Lê Lợi (quận 1) đã bắt đầu xuất hiện tình trạng rác thải vương vãi nhiều nơi do một số người thiếu ý thức vứt bỏ tuỳ tiện...
Nằm ngay khu vực trung tâm thành phố, sau khi dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tháo dỡ lô cốt, hoàn trả mặt bằng phục vụ giao thông từ cuối tháng 4/2022, đường Lê Lợi (phường Bến Nghé, quận 1) đã dần trở lại không khí nhộn nhịp của một trong những khu kinh doanh, mua sắm và ăn uống sầm uất nhất của TPHCM.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên tuyến đường Lê Lợi (khu vực giáp phố đi bộ Nguyễn Huệ) xuất hiện tình trạng rất nhiều người thiếu ý thức ăn uống và xả rác bừa bãi tại chỗ. Nhiều nơi, rác thải chất thành đống ven đường.
Có mặt tại đường Lê Lợi (khu vực ngay sát phố đi bộ Nguyễn Huệ) chiều tối 25/7, Tiền Phong ghi nhận hai bên đường, rác chất thành đống kéo dài cả chục mét. Một số vị trí, rác thải che lấp miệng hố ga thu nước chống ngập.
Hầu hết rác thải tại đây đều là những loại khó phân hủy như hộp xốp, túi nilon, ly nhựa,...do người thiếu ý thức bỏ lại sau khi ăn uống xong.
Ngoài đường Lê Lợi, phóng viên Tiền Phong ghi nhận tình trạng rác thải tràn sang các tuyến đường xung quanh như Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng và cả trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do lượng người đổ về đây vui chơi tăng cao, kéo theo đó là các dịch vụ ăn uống đường phố cũng được mở ra để phục vụ khách tham quan.
Chị Uyên Phương (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, tình trạng rác thải chất thành đống tại đường Lê Lợi và nhiều tuyến đường xung quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ đã xuất hiện từ rất lâu. Dù công nhân vệ sinh dọn dẹp liên tục rất nhiều lần trong ngày nhưng rác thải liên tiếp tái xuất.
Nhiều thùng rác công cộng trong khu vực này đều trong tình trạng không còn chỗ chứa nên một số người phải vứt rác ra bên ngoài, gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị
“Những nơi thường xuyên thu hút rất đông khách du lịch nằm ngay trung tâm thành phố, tuy nhiên tôi vẫn không thể hiểu vì sao nhiều người lại thiếu ý thức như thế. Việc xả rác tràn lan không đúng chỗ của nhiều người, gây mất mỹ quan đô thị rất cần được xử lý để nâng cao ý thức”, chị Thanh Hương (ngụ TP.Thủ Đức) chia sẻ.
Căn cứ theo Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP mức phạt cao nhất đối với hành vi đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường... sẽ bị xử phạt với số tiền 7.000.000 đồng.