Sau khi ‘bật đèn xanh’, ông Trump lại yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngừng tấn công Syria

Một lính của quân đội chính phủ Syria ở thị trấn Tel Tamer ở miền bắc Syria. (Ảnh: Reuters)
Một lính của quân đội chính phủ Syria ở thị trấn Tel Tamer ở miền bắc Syria. (Ảnh: Reuters)
TPO - Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu nước đồng minh NATO này phải dừng chiến dịch tấn công quân sự vào Syria, trong bối cảnh cuộc tiến công nhanh chóng tái định hình chiến trường của một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất đang tiếp diễn trên thế giới.

Sau khi gửi đi cái mà giới chỉ trích gọi là để bật đèn xanh cho cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ bằng việc yêu cầu rút quân Mỹ khỏi vùng chiến sự, ông Trump có cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan để yêu cầu nước này ngừng bắn. 

“Mỹ đơn giản là sẽ không tha thứ cho cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria thêm nữa. Chúng tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ rút quân, chấm dứt bạo lực và ngồi vào bàn đàm phán” Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vừa nói với các phóng viên. 

Ông Trump cũng đã thông báo kế hoạch sẽ áp dụng lại biện pháp tăng thuế mặt hàng thép từ Thổ Nhĩ Kỳ và ngay lập tức dừng đàm phán thỏa thuận thương mại trị giá 100 tỷ USD. 

Động thái này nhanh chóng bị phe Dân chủ trong quốc hội chỉ trích là quá ít và quá chậm. 
“Thông báo của ông ấy về gói trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ quá ít để có thể đảo ngược một thảm họa nhân đạo”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nói. 

Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là vô hiệu hóa lực lượng dân quân YPG của người Kurd, nhóm chính trong Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) và cũng từng là đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. 

Ankara coi YPG là một nhóm khủng bố câu kết với lực lượng người Kurd nổi dậy ở Thổ Nhĩ Kỳ. 
Hôm qua, sau khi quân Mỹ rút, quân chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn đã có bước tiến nhanh chóng vào vùng lãnh thổ do lực lượng người Kurd kiểm soát ở gần biên gới với Thổ Nhĩ Kỳ. 

Lực lượng người Kurd nói rằng họ mời quân chính phủ vào như một bước đi khẩn cấp để đối phó với cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi bị Washington phản bội. 

Cuộc tiến công này là một chiến thắng đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đồng minh mạnh nhất của họ là Nga vì đã đặt được chân vào vùng lãnh thổ rộng lớn nhất đất nước mà trước đó họ không với được. 

Giờ đây họ đang đối mặt với lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ trên mặt trận mới dọc đường biên giới dài hàng trăm kilomet. 

Báo chí nhà nước Syria đưa tin quân đội Syria đã đến Manbij, một thị trấn đang nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng đồng minh với người Kurd. Trước đó, lực lượng này đã tiến vào Tel Tamer, một thị trấn có tấm quan trọng chiến lược chỉ cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ 30km về phía nam. 

Vẫn phải chờ xem người Kurds sẽ được đối xử như thế nào. Dân quân người Kurd bắt đầu xây dựng chế độ tự trị ở vùng đông bắc Syria từ rất sớm trong cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm qua, hưởng lợi từ việc quân đội chính phủ bận rộn ở những nơi khác trên khắp cả nước. 

Chính trị gia cấp cao người Kurd, ông Aldar Xelil, gọi thỏa thuận của lực lượng này với Damascus là “biện pháp khẩn cấp”. “Ưu tiên hiện nay là bảo vệ an ninh biên giới trước mối đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Xelil nói.

Còn ông Trump nói muốn đưa Mỹ khỏi những cuộc chiến tranh “bất tận” ở Trung Đông. 

“Đối với tôi, bất kỳ ai muốn hỗ trợ Syria trong bảo vệ người Kurd đều tốt, dù đó là Nga, Trung Quốc hay Napoleon Bonaparte. Tôi hy vọng họ sẽ làm tốt, khi chúng tôi ở cách đó 7.000 dặm”, ông Trump viết trên Twitter hôm 14/10. 

Trong bài phát biểu nhân chuyến thăm Azerbaijan, ông Erdogan tuyên bố: “Chúng tôi quyết tâm tiếp tục chiến dịch đến cuối cùng, và không chú ý đến những mối đe dọa”. 

Mỹ rút lui để Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran ở lại ở Syria. Ankara và Mátxcơva đều dự đoán sẽ tránh đối đầu nhau ở Syria, dù chiến tuyến giữa họ giờ trải khắp đất nước này. 

“Hiện giờ có rất nhiều tin đồn. Nhưng thông qua đại sứ quán và với cách tiếp cận tích cực với Nga ở Kobani, có vẻ sẽ không có vấn đề gì”, ông Erdogan nói khi được hỏi về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu với Nga. 

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ ý kiến cho rằng Nga có thể đối đầu với quân Thổ Nhĩ Kỳ. “Chúng tôi thậm chí còn chưa nghĩ đến bối cảnh đó”, ông nói. 

Các nước EU đã dọa sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì cuộc tấn công lần này. Nhưng trong cuộc họp diễn ra hôm qua, EU đồng ý không cấm vận mà từng nước thành viên sẽ tự cân nhắc biện pháp hạn chế bán vũ khí. Vũ khí chỉ chiếm khoảng 45 triệu euro trong tổng số 150 tỷ USD thương mại thương mại song phương Thổ Nhĩ Kỳ - EU. 

Theo theo Reuters
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.