Sau hai ngày biến mất khỏi chợ ứng dụng lớn nhất tại Việt Nam là App Store và Googplay, AirVisual quay trở lại vào tối qua. Người dùng điện thoại hệ điều hành iOS và Android có thể tải ứng dụng này về bình thường.
Trước đó, ứng dụng quan trắc không khí của một công ty Thụy Sỹ có trụ sở ở Trung Quốc đã không còn trên chợ ứng dụng. Tuy nhiên, phiên bản web vẫn có thể truy cập và những người đã tải app về có thể dùng bình thường.
Trả lời trên báo chí, đại diện AirVisual cho biết ứng dụng của họ bị đánh giá 1 sao trên hai nền tảng di động của Apple và Google cũng như trên fanpage Facebook. Phần lớn đánh giá tới từ Việt Nam. Vì vậy, Airvisual đã rút khỏi các chợ ứng dụng phổ biến nhất tại Việt Nam.
Trong đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng vừa xảy ra ở Hà Nội, trong khi các hệ thống quan trắc trong nước như hệ thống quan trắc của Tổng cục Môi trường, Đại sứ quán Mỹ, Sở Tài nguyên và Môi trường, PAMAir đều ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí vào sáng sớm và chiều tối ở ngưỡng đỏ (Chỉ số chất lượng không khí AQI lên hơn 150), một số điểm lên ngưỡng tím (AQI trên 200) thì ứng dụng Airvisual thường xuyên xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với nhiều điểm đo lên ngưỡng nguy hại (AQI trên 300), chênh lệch lớn so với hệ thống quan trắc của nhà nước và tư nhân Việt Nam.
Trên blog của mình, AirVisual sau đó giải thích, số liệu Hà Nội xếp số 1 thế giới về ô nhiễm không khí chỉ mang tính thời điểm và bất kể một thành phố nào cũng có thể xuất hiện trên vị trí đó ở một thời điểm nhất định. Ngoài ra, AirVisual hợp tác với tổ chức Greenpeace có một bảng xếp hạng chất lượng không khí các thành phố hàng năm.
Phía AirVisual cho biết, kết quả của họ dựa trên kết quả quan trắc của thành phố Hà Nội (11 trạm công bố tại địa chỉ moitruongthudo.vn) và sử dụng dữ liệu từ hai trạm đo của Đại sứ quán Mỹ (aqcin.org) nhằm công bố hiện trạng không khí theo thời gian thực.
Tuy nhiên, ứng dụng AirVisual không được nhiều chuyên gia Việt Nam đánh giá cao về giá trị cảnh báo tức thời. Theo chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình, ứng dụng này cũng sử dụng dữ liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, của Đại sứ quán Mỹ và một số máy đo của khách hàng. Với dữ liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, tính cập nhật thời điểm không cao trong khi nhiều điểm đo của khách hàng thì tính tin cậy thấp do máy không được bảo dưỡng.