Cần cẩu thi công công trình trụ sở Công ty Điện lực Sài Gòn vươn khỏi phạm vi công trường, vắt qua đường Võ Văn Tần.
Sáng 7/11, nhiều cán bộ nhân viên Chi cục Thú y TPHCM (quận 11, TPHCM) vẫn còn bàng hoàng khi kể lại sự cố nghiêm trọng vừa xảy ra bốn ngày trước.
Chiều 3/11, khi mọi người đang làm việc thì trụ sở bất ngờ rung chuyển như bị động đất. Nhiều tiếng động lớn phát ra từ tầng 2 của toà nhà. Phòng làm việc của Thanh tra Chi cục bị sập toàn bộ trần nhà. Mái tôn bị rách, thủng nhiều chỗ. Gạch lát nền bị vỡ. Một số bàn ghế, tủ chứa hồ sơ, máy tính bị gãy rời và hư hỏng nặng. Đặc biệt, nhiều thanh sắt xây dựng to bằng ngón chân cái nằm rải rác trong căn phòng. Rất may trước đó, các cán bộ thanh tra của Chi cục Thú y TPHCM đã rời khỏi phòng làm việc nên không xảy ra thương vong.
Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, cách đây vài tháng, nhà ăn của Chi cục từng bị sắt bên công trình chung cư Tân Phước rơi thủng mái. Nhà để xe của Chi cục cũng bị sụt, lún và nứt tường. Mới đây Chi cục có văn bản đề nghị Sở Xây dựng và chính quyền địa phương buộc nhà thầu thi công có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng cán bộ nhân viên và tài sản của Chi cục Thú y.
Tại một hội thảo chuyên đề về an toàn xây dựng vừa tổ chức tại TPHCM, một số doanh nghiệp còn cảnh báo có tình trạng một số đơn vị chuyên công trình rồi sang nhượng hoặc cho các đơn vị, cá nhân chưa có uy tín, thương hiệu làm thầu phụ để hưởng chênh lệch. Do làm ăn chụp giựt, bỏ thầu giá thấp nên các nhà thầu phụ thường rào chắn sơ sài, không đảm an toàn trong quá trình thi công.
Đại diện Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM cho biết, qua kiểm tra, Sở phát hiện nhà thầu còn làm rơi xà bần (rác thải xây dựng), sang khuôn viên Chi cục Thú y, làm nghẹt hệ thống thoát nước. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, công trình chung cư Tân Phước (phường 7, quận 11) gồm 4 block từ 18 – 22 tầng với trên 1.000 căn hộ, do Công ty Cổ phần Địa ốc Tân Phước làm chủ đầu tư trên khu đất có diện tích 12.000m2. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp thi công không đảm bảo an toàn đang diễn ra khá phổ biến tại TPHCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Trưa 7/11, công trường thi công trụ sở Cty Điện lực Sài Gòn (số 1 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3) do Tổng Cty Điện lực TPHCM làm chủ đầu tư, Cty Thuận Việt và Cty Bách Việt thi công bụi mù khiến nhiều người đi đường khổ sở vì bụi. Chiếc cần cẩu khẳng khiu cao khoảng 50 m không ngừng vận chuyển vật liệu xây dựng lên tầng cao nhất của toà nhà. Một đầu cần cẩu vươn dài, băng qua con đường Võ Văn Tần đông đúc.
“Nói dại, nếu cần cẩu bị đổ hoặc gãy thì không biết cả trăm người lưu thông bên dưới sẽ ra sao” – ông Tuấn, chạy xe ôm khu vực Hồ Con Rùa, lo lắng.
Cần cẩu tại công trình tòa nhà Léman treo nhiều khối bê tông trên đường Trương Định ở độ cao hàng chục mét. ảnh: LT.
Cách công trình này chưa đầy 100 m là công trường xây dựng tòa nhà PT (số 7 Võ Văn Tần) quy mô 8 tầng. Tuy nhiên, “khủng” nhất là tại công trình tòa nhà Léman (22 Trương Định, quận 3) chỉ cách Sở Xây dựng khoảng 200 m. Cánh tay đòn của cần cẩu dài hàng chục mét hướng vào trong công trường. Một đầu cần cẩu treo các năm khối bê tông nặng hàng tấn, lơ lửng phía các phương tiện đang lưu thông nườm nượp trên đường Trương Định ở độ cao gần 100 m.
Năm 2011, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 73 quy định về sử dụng cần trục tháp tại các công trường xây dựng. Theo TS Nguyễn Văn Trường, chuyên gia xây dựng, các nhà thầu thi công hiện nay thường sử dụng cần trục tháp có tải trọng nâng từ 3 đến 10 tấn, chiều cao từ 160-200m, chiều dài cánh tay đòn từ 70-80 m. Phần đối trọng là 5-6 khối bê tông để giữ thăng bằng và tạo sức nâng cho cần trục.
“Cần cẩu với trọng lượng lớn như vậy lại hoạt động ngay trên những mái nhà dân, hay trên đầu người đi trên đường là vô cùng nguy hiểm. Nhà cao tầng xây dựng san sát trong khu trung tâm. Mặt bằng thi công chật hẹp khiến nhiều chủ đầu tư, nhà thầu bỏ qua nhiều tiêu chuẩn khắt khe trong quá trình thi công. Một miếng vữa bằng đầu ngón tay, nếu rơi từ độ cao hàng chục mét trúng chỗ hiểm có thể gây tử vong cho người đi đường”, TS Trường nói.