Tân Bình (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) 4 năm trước từng là điểm nóng về sạt lở. Sóng đánh vào bờ cù lao nham nhở, cuốn mất nhiều nhà cửa, cây cối, bào hàm ếch và thỉnh thoảng “nuốt” trọn cả mảng đất rộng lớn.
Trận lở lớn nhất kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2013, cuốn nhiều căn nhà xuống sông, vệt sạt lở kéo dài hơn 4 km, đe dọa nghiêm trọng hàng trăm hộ dân. Ngay sau đó, UBND tỉnh Đồng Tháp xây dựng tuyến dân cư tại xã Tân Bình, cách sông gần một ki-lô-mét; đồng thời, chỉ đạo di dời ngay gần 500 hộ dân ven sông vào tuyến dân cư này. Tuy nhiên, sau khi vào đây người dân lại phải đối diện với nhiều khó khăn khác.
Căn nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Thúy bị sông Tiền nuốt trọn. Gia đình bà phải vào tuyến dân cư sống, mở quán nước nhỏ bán. “Những ngày lễ còn bán được 20.000 - 30.000 đồng lời, còn ngày thường kiếm 10.000 đồng đỏ mắt, trong khi hằng tháng còn phải đóng thêm tiền lãi ngân hàng vay cất nhà”- bà Thúy than thở và cho biết ở tuyến dân cư này phần lớn là người nghèo, phải làm thuê mướn kiếm tiền ăn từng bữa
Nhiều người không có việc tại chỗ, phải bỏ đi xa xứ làm thuê. Bà Thúy có 2 đứa con, đứa lớn đang học lớp 5, vì khó khăn phải nghỉ học để đi làm thuê, còn chồng bà hằng ngày làm phụ hồ.
Lo mất đất nuôi thủy sản
Ông Đỗ Văn Nhiên (76 tuổi) ở cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) kể, khoảng 5 năm trước, con sông Cả Đôi này rất cạn và cát rất nhiều. Ông và đứa cháu nội thường bơi ra giữa sông để tắm nhưng nước cũng chỉ hơn thắt lưng, nay sâu hoắm không còn ai dám tắm. “Cả khúc sông này mà có gần chục chiếc xáng cạp múc cát, nhân công ra vào bờ rất đông”- ông Nhiên nói.
Sau vài ba năm khai thác, cát ở giữa sông không còn, các xà lan bắt đầu tiến sát vào cọc phao quy định giới hạn thả cần cẩu múc cát phía trong bờ, khiến số nhà dân ven sông bị sạt lở. Ông Đỗ Văn Xíu, ở cù lao Tân Lộc, nhớ lại: “Do sạt lở quá, dân chúng tôi nóng lòng kéo nhau chạy ghe lớn ra để yêu cầu xà lan chỉ múc cát ở khu vực giữa sông đúng như Nhà nước quy định.
Thấy chúng tôi có đông người, các xà lan ngưng múc cát và di chuyển ra giữa sông. Tưởng mọi chuyện đã êm, không ngờ sáng hôm sau có một băng nhóm xã hội đen xăm trổ đầy mình đi ca nô đến ngồi ở các quán cà phê để “dằn mặt” khiến dân sợ không dám ngăn cản hút cát trong bờ của các xà lan”.
Giữa sông Cả Đôi có một cồn nổi rộng hơn 10 ha. Khu vực này có nhiều hộ dân sống bằng nghề nuôi cá tra với số lượng lớn. Thời gian gần đây các hộ dân nuôi cá đứng ngồi không yên vì lo sợ bờ ao bị sạt lở, hàng tỷ đồng có thể trôi sông bất cứ lúc nào.
Ông Nguyễn Trọng Ngọc - Chủ tịch UBND phường Tân Lộc cho biết, hiện tình trạng khai cát gần bờ không còn diễn ra nữa, do người dân yêu cầu khai thác cách bờ ít nhất 300m. Ông Ngọc cũng cho biết, trước đây tồn tại cồn Cò rộng khoảng 10 ha, chủ yếu trồng mía, nhưng do khai thác cát cách đây nhiều năm cồn này đã sập.
Cát tặc vẫn hoành hành
Ngày 3/5, phóng viên Tiền Phong theo ghe ông Nguyễn Văn, 52 tuổi ở ấp Phú Lợi, xã Phú Thành (Trà Ôn, Vĩnh Long) ra sông Hậu để ghi nhận hoạt động khai thác cát. Sáng sớm, ông Văn cho ghe chạy dọc theo sông Hậu, từ cầu Cần Thơ xuôi về xã Phú Thành.
Đi được khoảng vài cây số chúng tôi bắt gặp 7 chiếc xà lan đang hút cát, trong đó có 2 chiếc đang hoạt động cách bờ Vĩnh Long khoảng 200m.“Những phương tiện này thường hút cát từ 6 giờ đến khoảng 10 giờ sáng thì ngưng, đến 14 giờ lại tiếp tục hoạt động cho đến sáng. Càng về khuya chúng càng tiến sát vào bờ”- ông Văn nói.
Nhìn những chiếc xáng cạp đang múc cát đưa lên xà lan, ông Văn lắc đầu: “Đất cha mẹ để lại ngoài 0,6 ha vườn trồng bưởi thì còn một bãi bồi dài chừng 50m nhưng năm rồi đo đạc làm giấy tờ mới thì đất của tôi chỉ còn hơn 0,4 ha”. Ông Văn cũng cho biết, bờ đê chống sạt lở do nhà nước xây dựng vào cuối năm 2014 dài khoảng 500m (thuộc ấp Phú Lợi) nay đã bị sạt lở nghiêm trọng.
Theo ông Văn, để giữ đất không bị sạt lở, khoảng 20 năm trước ông trồng một hàng bần dưới bãi bồi. Từ đầu năm 2010 ở đây xáng cạp bắt đầu hút cát đến nay hàng bần cổ thụ to bằng một người ôm sập xuống trôi đi, cây cao sừng sững cũng bị cuốn trôi.
Ông Văn cho biết, cả khúc sông khoảng chừng 20km kéo dài từ đầu đến cuối huyện Trà Ôn, 6 năm trước có hàng trăm chiếc xà lan lũ lượt đến đậu cặp 12 chiếc xáng cạp để chờ chở cát đi. Sau khi hết hợp đồng khai thác cát, một số vẫn khai thác chui, cứ tối đến là chúng vào sát bờ quăng cần cẩu ầm ầm, không ngủ được nên vài người dân trong xóm chạy ghe ra đó ngăn cản nhưng bất thành.
Do quá bức xúc và lo lắng sạt lở nên người dân làm ná thun, hễ xáng cạp vào tới bờ là bắn. Sau đó ít ngày, một nhóm xã hội đen chừng khoảng 5 - 6 người đến đe dọa, đập phá đồ đạc.
“Sau đó các xáng cạp vẫn hoạt động bình thường. Chúng tôi gọi điện thoại báo chính quyền xã Phú Thành. 20 phút cán bộ xã có mặt tại nơi hút cát nhưng khi đó các phương tiện này ngưng hoạt động và rời khỏi bờ ra khu vực giữa sông. Nhiều lần như thế nên địa phương không có chứng cứ để lập biên bản xử lí”, bà Hoàng, vợ ông Văn nói.
Gia đình ông Văn không dám xây dựng nhà kiên cố dù nhà ở hiện tại đã xuống cấp. Lý do là sợ bị cuốn trôi ra sông. “Ba đứa con tôi được đi học cũng nhờ mảnh vườn này. Sắp tới nếu như đoạn đê bao tiếp tục sạt lở thì mấy công đất chắc cũng không còn, lúc đó gia đình tôi không biết lấy gì mà sống. Ban đầu, vợ chồng tôi dành dụm một số tiền tính cất ngôi nhà khang trang nhưng thấy cứ sạt lở hoài nên lo lắng không dám cất, chỉ sửa lại để ở tạm”, bà Hoàng nói thêm.
(Còn nữa)
Ông Huỳnh Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Phú Thành cho biết, sạt lở trên các tuyến đê bao thuộc địa bàn xã xảy ra từ nhiều năm nay, với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc khai thác cát. Khoảng mười năm về trước, việc cấp phép khai thác cát còn lỏng lẻo chưa quy định rõ ràng về thời gian hoạt động nên phương tiện múc cát hoạt động cả ban đêm và tiến vào bờ gây bức xúc cho người dân. Vài năm trở lại đây đoạn sông này không được cấp phép khai thác cát do có nhiều đoạn sông bị sạt lở. Khu vực ở đoạn sạt lở có khoảng 50 ha đất trồng hoa màu, cây ăn trái.