Sạt lở thập diện mai phục ĐBSCL - Bài 2: Đất 'đi', sổ đỏ ở lại

Sóng đánh vào đê biển Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu).
Sóng đánh vào đê biển Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu).
TP - Không chỉ ở ven các con sông lớn, sạt lở còn xảy ra nghiêm trọng ở các khu vực ven biển, cửa biển. Mỗi năm, sóng biển lấy đi hàng trăm héc ta rừng phòng hộ, đất đai và hoa màu, đe dọa cuộc sống hàng vạn người dân.

Tình trạng sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng dọc bờ Cửa Đại đoạn thuộc hai xã Phú Vang và Lộc Thuận (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Chiều dài đoạn sạt lở lên đến 3,5 km, có chỗ ăn sâu vào 15m. Tại xã Phú Vang có 55 hộ của hai ấp Phú Hòa và Phú Hưng bị ảnh hưởng sạt lở sâu vào từ 5 - 15m.

Ông Nguyễn Văn Tiếp (ấp Phú Hòa) có  hơn 0,2 ha đất vườn trồng dừa ven sông Cửa Đại. Trước đây, thu nhập chính của gia đình ông dựa vào vườn dừa. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở ở đây diễn ra rất nhanh, chỉ trong vòng 3 năm đã cuốn trôi mất của gia đình ông  toàn bộ mảnh vườn trên. Chỉ tay về phía bờ sông, ông Tiếp cho biết, hai năm trước khu vực đất vườn của ông vẫn còn xanh tốt, nhưng nay nơi này đã biến thành sông. Ông Tiếp cầm trên tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhưng đất đã bị cuốn trôi. “Sạt lở làm mất hết đất vườn, chúng tôi phải tự gánh chịu chứ không có ai hỗ trợ gì cả” - ông Tiếp nói.

Nhiều hộ dân khác ở ven Cửa Đại cũng bị sạt lở đe dọa đến nhà cửa, cuộc sống. Căn nhà của ông Bùi Văn Thành (ấp Phú Hòa) nằm liêu xiêu sát mé sông không biết sẽ đổ nhào khi nào. Gia đình ông chỉ có hơn 0,1 ha đất nhưng sạt lở hết một phần ba. “Tôi  mới nhận được hỗ trợ của địa phương 20 triệu đồng để di dời vào trong nhưng ngần ấy tiền chẳng thấm vào đâu, bởi gia đình tôi còn thuộc diện hộ nghèo”- ông Thành than thở. Bà Đào Thị Dứt (ấp Phú Hòa), cũng là hộ nghèo, chỉ có cái nền nhà để ở, nhưng mấy năm qua sạt lở đã ăn vào tận vách, nhà ngấp nghé mé nước. Do không còn đất đai, bà Dứt không biết đi đâu, đành tiếp tục phải sống tại đây.

Còng lưng gánh nợ

Đầu tháng 5, phóng viên Tiền Phong trở lại Cồn Ngoài (xã Bảo Thuận huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) - nơi vài tháng qua giữa mùa nắng chói chang sóng biển đánh sập 2 nhà dân, cuốn trôi đê bao bờ biển kéo dài 2km. Len lỏi qua nhiều con đường mòn quanh co, xuyên qua những cánh rừng phòng hộ mới đến được cồn Ngoài. Con đường đất dẫn vào xóm đã bị biển cuốn mất. Những hộ dân phía trong con đường bị cô lập, nhà cửa xơ xác, trơ trọi bên mép biển. Con đê được nhà nước đầu tư xây dựng để bảo vệ dân, phát triển du lịch bị sóng đánh đổ sụp một đoạn, cát, đá ngổn ngang và cũng chẳng còn thấy ai thi công. Những hàng quán mọc lên ăn theo khu du lịch giờ cũng vắng hoe.

Sạt lở thập diện mai phục ĐBSCL - Bài 2: Đất 'đi', sổ đỏ ở lại ảnh 1 Vợ chồng ông Huỳnh Văn Ngoạt ở cồn Ngoài, xã Bảo Thuận (Ba Tri, Bến Tre).

Gia đình ông Huỳnh Văn Ngoạt, có nhà bị cuốn trôi giờ đã dời đi nơi khác, cách chỗ ở cũ hơn cây số. Gặp vợ chồng ông Ngoạt sống trong căn nhà nhỏ, ông cho biết: “Sau khi nhà sập không còn chỗ ở, đứa cháu trong xóm có căn nhà bỏ hoang, thấy hoàn cảnh của tôi nên cho vợ chồng tôi về tá túc qua ngày”. Ông Ngoạt năm nay 57 tuổi, người gầy, hai mắt trũng sâu. “Cả đời làm vất vả mong được chỗ nương thân nhưng giờ mất hết, không còn đất để ở nên không biết lấy gì sống”- ông Ngoạt thở dài.

Ông Ngoạt nhớ lại: “Hơn 50 năm sống ở đây, đây là đợt triều cường khủng khiếp nhất mà tôi chứng kiến. Sóng biển dâng lên cao gần tới nóc nhà. Qua một đêm thôi mà nhà cửa, tài sản trong nhà bị cuốn hết ra biển, tan hoang hết”.

Nhà bà Nguyễn Thị Bích Phượng, 39 tuổi ở gần nhà ông Ngoạt bị sóng đánh gãy đôi nằm nghiêng ra biển. Bà Phượng nhớ lại: “Đêm hôm đó, sóng đánh sát mé nhà, cuốn cát trôi ra biển nên dưới nền nhà trống rỗng. Cả gia đình vội tháo chạy nên mới giữ được mạng sống”. 

“Nhiều khách đến đây họ kêu đồ nhậu hoặc uống nước để ngắm biển nhưng nhà sập hết rồi nên không dám bán”-bà Phượng nói. Vợ chồng bà đầu tư gần trăm triệu từ tiền tích góp mấy chục năm và vay mượn người quen dựng quán bán cho khách du lịch tại đây. Tuy nhiên, dựng quán chưa được bao lâu thì bị sóng đánh đổ sập. “Hằng ngày chồng đi làm thuê kiếm tiền nuôi con ăn học và đóng lãi ngân hàng” - bà Phượng nói và cho biết, gia đình có 3 đứa con đang trong tuổi ăn học, đứa học lớp 12, đứa kế lớp 9 và đứa nhỏ lớp 2. “Con gái lớn về nhà xin tiền đóng học thêm trong nhà không đồng xu dính túi, chồng thì phải chạy đi làm thuê kiếm tiền ăn. Trước tình hình này, vợ chồng tôi không đủ khả năng lo cho con ăn học nên bàn tính cho con nghỉ để ở nhà đi làm thuê”-bà Phượng kể, nước mắt trực trào.

Người dân ở cồn Ngoài cho biết, mấy năm trước, khu vực này có rừng ngăn sóng biển nhưng cũng không chịu nổi những trận sóng dữ dội. Rừng cũng bị sóng biển cuốn mất. Trên cồn hiện có 75 hộ sinh sống với 350 dân, đời sống của người dân chủ yếu nhờ trồng hoa màu. Từ năm 2010 đến nay, cồn Ngoài liên tục bị sóng biển đe dọa, mỗi năm sóng biển cuốn đi rất nhiều diện tích đất, nhà cửa của người dân, khiến đất cồn ngày càng bị thu hẹp dần.

Trắng đêm canh sóng

Dọc tuyến ven biển từ Bến Tre xuôi về Cà Mau hàng trăm km có nhiều nơi bị sạt lở, kinh hoàng nhất là tại Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu). Ông Bùi Văn Giàu (47 tuổi) ở sát đê biển Gành Hào (thị trấn Gành Hào) chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại đợt triều cường hồi giữa tháng 2 làm đổ sập đoạn bờ kè kiên cố đã xây dựng hơn chục năm nay. Ông Giàu kể: “Hôm đó, mỗi đợt sóng ập vào cao từ 3 đến 5 mét. Sóng tràn qua đê vào nhà tôi ào ào, băng ghế đá để trước nhà cũng bị sóng đẩy vô hơn cả mét. Đường từ bờ kè vào nhà làm bằng bê tông bị sóng biển đánh gãy đôi”. Ông cho biết, mỗi lần sóng vỗ vào bờ đê làm nhà rung lắc. “Mấy hôm nay, ban đêm hai cha con tôi thay nhau canh chừng đề phòng bất trắc để còn kịp thông báo cho mọi người”.

Vợ chồng ông Giàu có hai con, cả gia đình ở nhà thuê từ hơn chục năm nay. Tiếp thuê nhà mỗi tháng 500.000 đồng. “Trước đây, nhà cách biển gần cây số. Sóng đánh lở hết, phải chạy vô đây đến nỗi không còn đất cất nhà, phải ở nhà thuê - bà Liên, vợ ông Giàu giải thích. Ngày thường, ông Giàu cùng con trai đi thuyền đánh cá ngoài biển, còn vợ ở nhà làm nghề phơi tôm, cá khô thuê. “Những tháng trời êm, tôi đi làm thuê ngày kiếm hơn trăm ngàn nhưng từ tết đến giờ biển động, không ai ra khơi nên không có cá, tôm để làm khô. Tình hình kéo dài như thế này lâu ngày chắc… chết đói”- bà Liên than thở.

Ông Đinh Vinh Trung (ấp 1, thị trấn Gành Hào) cho biết đã sống ở đây gần 50 năm nhưng chưa bao giờ thấy cảnh sóng biển kinh hoàng như lần này. Ông Trung cho biết, ở xứ này, hầu như gia đình nào cũng phải chạy và dời nhà đôi ba lần. Biển lấn vào là dân dời nhà lùi vô trong. Ban đêm, có lúc đang ngủ gặp mưa to, nước biển tràn vào đồ đạc coi như vứt bỏ…

(Còn nữa)

Báo cáo của quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho biết, trong khoảng 2003-2012, vùng bờ biển bùn từ Bạc Liêu trở xuống qua Kiên Giang nhiều nơi bị sạt lở hơn 50m/năm ăn sâu vào đất liền. Đặc biệt là đoạn 180km phía biển Đông. Hơn 50% chiều dài của bờ biển 700km của ĐBSCL đã bị sạt lở trong khoảng thời gian này. Biển Tây sóng ít dữ dội hơn nhưng khoảng 60% bờ biển phía Tây cũng sạt lở nghiêm trọng. Tính trung bình trong khoảng thời gian này, ĐBSCL mất khoảng 5km2 đất mỗi năm.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.