Sạt lở đê biển đe dọa nghiêm trọng di tích Vịnh Mốc

Sạt lở đê biển bảo vệ Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc.
Sạt lở đê biển bảo vệ Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc.
TPO - Đoạn đê dài gần 500m được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép bảo vệ Di tích lịch sử Quốc gia Địa đạo Vịnh Mốc khỏi sự xâm thực, sạt lở do sóng nước biển hiện đã bị sạt lở ở 2 điểm lớn và 13 điểm nhỏ.

Chiều 14/11, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, hiện trạng sạt lở đê biển trên địa bàn, trong đó có gần 500m chạy qua khu vực Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc ở xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh đang đe dọa nghiêm trọng di tích này.

Cụ thể, đoạn đê được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép bảo vệ di tích trên khỏi sự xâm thực, sạt lở do sóng nước biển hiện đã bị sạt lở ở 2 điểm lớn và 13 điểm nhỏ.

Cũng trong chiều 14/11, Phó trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc Phan Trường Định cho biết, đoạn đê này dài gần 500m, bên cạnh bảo vệ di tích, đê còn có chức năng bảo vệ 250 hộ dân trên địa bàn thôn Vịnh Mốc sinh sống sát biển khỏi bị sóng nước biển xâm thực, gây hư hại, cuốn trôi nhà cửa.

“Ngành chức năng địa phương đã nhiều lần sửa chữa, gia cố lại các đoạn bị sạt lở song hiện trạng này vẫn tiếp diễn, cần có sự đầu tư quy mô và bền vững hơn”, ông Định nói.

Theo ông Định, những trận bão lụt năm 2017 đã làm đoạn đê sạt lở nghiêm trọng, nhiều chỗ khối lượng lớn bê tông cốt thép bị sóng nước biển xô đập làm gãy ngang sụt lún và bị sóng nước biển cuốn trôi ra ngoài.

Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc nằm trong một quả đồi sát biển nên lúc biển xâm thực, làm phá vỡ đoạn đê bảo vệ, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến kết cấu bên trong của địa đạo, gây ra những nguy cơ khó lường. “Việc sạt lở gây ảnh hướng đến sự an toàn của khu di tích bởi di tích nằm sát bờ biển. Nếu không sửa chữa kịp thời thì trong đợt mưa bão tới đây nó sẽ sụt lún, sạt lở ra rất nhiều và cần nguồn vốn nhiều để sửa chữa lại”, ông Định cho biết.

MỚI - NÓNG