Tránh sạt lở sông lại gặp... lở núi

Người dân khu tái định cư Gò Hiu đối mặt với nạn sạt lở đồi núi gây nguy hiểm tính mạng Ảnh: Hoài Văn
Người dân khu tái định cư Gò Hiu đối mặt với nạn sạt lở đồi núi gây nguy hiểm tính mạng Ảnh: Hoài Văn
TP - Những hộ dân khu tái định cư Gò Hiu (xã Ðại Lãnh, huyện Ðại Lộc, Quảng Nam) di dời từ nơi sạt lở bờ sông Vu Gia đến khu tái định cư mới nhưng vẫn đối mặt với nguy cơ lở núi và thiếu nước sạch.

Năm 2016, có 28 hộ dân nằm ở khu vực bị sạt lở ven sông Vu Gia huyện Đại Lộc (Quảng Nam) được di dời xuống khu tái định cư Gò Hiu (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc). Khu tái định cư Gò Hiu nằm trên thửa đất nhô cao bên cạnh nửa quả đồi đã được khai thác nham nhở. Theo tìm hiểu, trước kia khi xây dựng khu tái định cư, nửa quả đồi được san ủi lấy mặt bằng, nửa quả đồi còn lại không san ủi. Dẫn đến lớp đất đá tràn sát vách nhà dân. Nguy hiểm rình rập lại thêm khó khăn thiếu thốn mọi bề nên hầu hết tháo chạy chỉ còn một vài hộ bám trụ trong lo sợ.

Ông Trương Văn Tàu, một trong những hộ dân còn bám trụ nơi đây, cho biết, đến nơi ở mới, với số tiền hỗ trợ 20 triệu đồng và lô đất 200m2, vợ chồng ông tưởng có thể an cư lập nghiệp. “Những tưởng thoát được cảnh sạt lở bờ sông đe dọa để an cư yên ổn làm ăn, vậy mà chạy sạt lở sông lại gặp lở núi. Mùa mưa năm ngoái, đất đá từ ngọn đồi phía sau khu dân cư tràn xuống khiến các hộ dân khu tái định cư bất an", ông Tàu nói.  

Ông Trương Văn Đông, một người dân sinh sống ở đây ngán ngẩm: “Sống ở khu tái định cư mà đủ thứ lo, từ lở núi đến thiếu nước sạch, đất đai canh tác trồng trọt thì ở xa nên nhiều người không trụ nổi bỏ đi rồi. Nhiều người đã về lại chốn cũ để sinh sống”.

Theo ông Ngô Xuân Yến, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, tại đây người dân phải đối mặt với nhiều khó khăn, như thiếu nước sạch, lo ngại việc sạt lở núi nhất là mùa mưa. Lãnh đạo huyện nhiều lần đến kiểm tra, địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị tỉnh hỗ trợ phương án, kinh phí san ủi nửa quả đồi còn lại để đảm bảo an toàn cho dân, nhưng nguồn lực còn khó khăn nên mọi việc phải chờ.

Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay, do lựa chọn vị trí ban đầu khu tái định cư không phù hợp nên dẫn đến những khó khăn cho người dân khi đến sống tại khu tái định cư, người dân không có nước sạch để dùng. Trước kia khi san ủi làm khu tái định cư Gò Hiu, nửa quả đồi còn lại không san lấp, vì vậy mùa mưa lũ đến đất sạt lở tràn vào nhà dân, lấp mương, hệ thống thoát nước... “Hiện nay mỗi mùa mưa huyện chỉ đạo hỗ trợ giúp dân nạo vét. Nhưng cứ nạo vét xong thì mưa lại tràn lại. Bây giờ chỉ có cách san ủi nửa quả đồi còn lại thì dân mới sống yên tâm được” - ông Mẫn nói.

Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc phối hợp của huyện với địa phương để khảo sát địa điểm làm chưa tốt dẫn đến người dân phải đối mặt với nhiều khó khăn khi di dời đến nơi ở mới. “Không thể đưa dân về đó mà không có nước uống. Nếu thực sự không có nguồn nước cấp vào như thế thì tại đây phải có phương án hệ thống xử lý nước sạch cục bộ để đảm bảo nước sạch cho dân” - ông Thanh nhấn mạnh và chỉ đạo huyện Ðại Lộc chủ động nắm tình hình, tham mưu sớm giải quyết khó khăn cho người dân khu tái định cư.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.