Sắp mất phố cổ Sài Gòn

Một khu nhà cổ tại vòng xoay Chợ Lớn, kế bên là những ngôi nhà kiểu mới. Ảnh: Ngô Bình.
Một khu nhà cổ tại vòng xoay Chợ Lớn, kế bên là những ngôi nhà kiểu mới. Ảnh: Ngô Bình.
TP - Giống Hà Nội hay Hội An, TPHCM cũng có phố cổ, nhưng ít người nhắc tới, bởi những gì còn lại không còn nguyên vẹn, tản mát, thậm chí đang mất dần. Khu phố cổ duy nhất ở Sài Gòn nay chỉ còn 16 nóc nhà biến dạng từng ngày.

Nhưng nếu nhìn vào những bức ảnh tư liệu, mới thấy giật mình bởi khu ấy ngày xưa trên bến dưới thuyền, rất đặc trưng Sài Gòn lục tỉnh.

Vật đổi sao dời

Theo một số tài liệu, khu phố cổ giới hạn trong các con đường (hiện nay) là Hùng Vương ở phía bắc, kênh Tàu Hủ ở phía nam, Lương Nhữ Học ở phía tây và Phù Đổng Thiên Vương ở phía đông. Trục chính của khu này là đường Triệu Quang Phục. Khu vực này rất đặc biệt với bến Bình Đông ngày xưa là nơi tiếp nhận hoa trái nông sản từ ĐBSCL lên, hàng hóa từ Sài Gòn xuống tàu tỏa đi. Chợ Bình Tây là trung tâm buôn bán sầm uất. Phố cổ thường gắn với nghề truyền thống, nghề thuốc bắc, nghề mài dao kéo truyền qua nhiều thế hệ.

Nhưng nay, các tòa nhà cổ (được xây dựng thời Pháp) hầu hết đã bị thay đổi kết cấu và bài trí bên trong, một số căn bên ngoài cũng bị tu sửa để phù hợp với việc kinh doanh của người dân. Như các khu phố cổ khác, phố cổ Sài Gòn chưa có chính sách bảo tồn thực sự phù hợp với đời sống người dân.

Tại tòa chung cư ở góc đường Hải Thượng Lãn Ông - Triệu Quang Phục, tầng trệt của một căn nhà ngay ngã tư đã được sửa mới. Khu siêu thị thuốc bắc và các hộ dân khác phía tầng trệt nhìn bên ngoài thì còn nguyên vẹn nhưng bên trong, một số căn đã bị thay đổi. Khu vực các tầng phía trên được chủ nhà ngăn lối, chia phòng cho thuê. Mỗi tầng chỉ có một khu nhà vệ sinh chung khá chật hẹp, những tầng trên cùng có nơi không có nhà vệ sinh. “Người thì đập đi xây lại, người ngăn phòng cho thuê. Nói nhà cổ nhưng chỉ được chút cổ bên ngoài thôi”, ông Nguyễn Hoàng Dân (60 tuổi, chủ nhà số 47, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 10, quận 5) nói.

Đi một vòng quanh khu phố cổ, khó có thể nhận ra bóng dáng Sài Gòn xưa trong tiếng còi xe, tiếng động cơ của đủ loại phương tiện, những ngôi nhà tân thời lấn át. “Phủ Gia Định, nhà đủ người no chốn chốn”, “xứ Sài Gòn, ở ăn vui thú nơi nơi” bây giờ vẫn no đủ, vui thú nhưng chẳng còn “Ngói lợp vẩy lân, phố thương khách nhà ngang nhà dọc/Hiên che cánh én, nhà quan dân hàng vắn hàng dài” (trích những câu trong “Gia Định phú” - tác phẩm khuyết danh tả rất chân thực và sống động về Sài Gòn xưa). Một số tài liệu nói rằng, nhà cổ ở đây hầu hết được xây từ đầu thế kỷ 20, kết hợp họa tiết phương Tây với phong cách kiến trúc Trung Hoa. Đây là đặc điểm nổi bật của những ngôi nhà cổ còn đến ngày nay. Ngoài nhà cổ, khu vực này còn có nhiều đình, miếu, chùa cổ rất nổi tiếng.

Sắp mất phố cổ Sài Gòn ảnh 1

Một góc chợ Bình Tây.

Và cũng như các khu phố cổ khác, phố cổ Sài Gòn cũng phải đối mặt những vấn đề liên quan chuyện bảo tồn. Ông Dân nói, hiện tại, người dân muốn sửa nhà vẫn được phép nhưng phải giữ nguyên trạng. Tức là tu sửa bên trong, không được cơi nới, thay đổi cấu trúc, bên ngoài mặt tiền phải sơn đúng màu. Hiện nay, đa số người sở hữu ngôi nhà cổ đã tu sửa, thay đổi bên trong; phần mái ngói cũng bị bỏ đi, thay vào đó là mái tôn.

“Hiện nay, tòa nhà tôi ở mỗi tầng chỉ có một nhà vệ sinh chung mà nhìn vào ai cũng sợ. Có nhiều đoàn khách Tây đến tham quan nhưng khi lên trên lầu nhìn thấy nhà vệ sinh không đảm bảo, kết cấu bên trong bị thay đổi hết. Chắc họ sẽ không đến nữa”.

Ông nguyễn hoàng Dân

Ông Dân cho rằng, chính quyền muốn bảo tồn những ngôi nhà cổ thì chỉ có một cách là quy hoạch, di dời người dân hoặc đầu tư tu sửa, phát triển du lịch. “Hiện nay, tòa nhà tôi ở mỗi tầng chỉ có một nhà vệ sinh chung mà nhìn vào ai cũng sợ. Có nhiều đoàn khách Tây đến tham quan nhưng khi lên trên lầu nhìn thấy nhà vệ sinh không đảm bảo, kết cấu bên trong bị thay đổi hết. Chắc họ sẽ không đến nữa”, ông nói. Bà Giang Thị Loan (50 tuổi, chủ nhà số 106, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 10, quận 5) cho biết, bà mua lại căn nhà cách đây hơn 30 năm. Theo bà, chỉ có thể sửa chữa bên trong để phù hợp với sinh hoạt mỗi gia đình, chứ việc xây lại là không thể bởi khu nhà xây chung móng, chung tường, chung cột.

Theo ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích - Sở Văn hoá & Thể thao TPHCM, hiện tại, khu phố cổ Hải Thượng Lãn Ông - Triệu Quang Phục chỉ còn 16 căn nhà cổ. Những ngôi nhà này đã được đưa vào danh mục kiểm kê di tích. Vì vậy, các hộ dân ở trong những ngôi nhà này muốn sửa chữa thì phải có ý kiến phê duyệt của thành phố. Tuy nhiên, xếp hạng di tích đối với các căn nhà là rất khó khăn bởi mỗi nhà có một chủ riêng. Mà theo luật di sản, muốn xếp hạng di tích phải có đơn của chủ sở hữu. Trong khi đó, các gia đình có nhu cầu sử dụng khác nhau. Hơn nữa, hiện tại, những căn nhà này chỉ còn phần mặt tiền là “cổ”.

Ông Quân nói chính quyền đang đưa những căn nhà này vào chương trình bảo tồn cảnh quan, kiến trúc thành phố, nhưng không đưa vào diện xếp hạng di tích. Để bảo tồn những căn nhà này, các ngôi nhà xung quanh sẽ phải tuân thủ một số quy chuẩn riêng để đảm bảo khoảng cách giữa nhà cổ và các nhà khác.

Khôi phục được không?

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, nên nhìn nhận khu phố cổ Sài Gòn như một quần thể, không nên giới hạn ở hơn chục nóc nhà. Kiến trúc sư Mai Lê Minh, chuyên viên Trung tâm Bảo tồn di tích - Sở Văn hóa & Thể thao, người trực tiếp tham gia cùng đoàn nghiên cứu của Chính phủ Tây Ban Nha về khu phố cổ, nói rằng, không nên giới hạn ở khu vực Hải Thượng Lãn Ông - Triệu Quang Phục mà cả khu vực rộng lớn gần đó cũng cần được xác định là khu phố cổ.

Sắp mất phố cổ Sài Gòn ảnh 2

Khu nhà cổ góc Hải Thượng Lãn Ông - Triệu Quang Phục có một số nhà bị sửa bên ngoài.

Theo ông Minh, khu phố cổ đã bị thay đổi nhiều, không còn cảnh trên bến dưới thuyền như trước đây, đặc biệt tuyến đại lộ Đông - Tây được mở ra đã ngăn cách nhà dân với dòng kênh. “Trước đây, khu chợ Bình Tây là một khu phố cổ cực đẹp với cảnh trên bến dưới thuyền, kênh Hàng Bàng dẫn thuyền bè vào chợ. Tuy nhiên, hiện nay, dòng kênh đã bị lấp và có đến hàng ngàn hộ dân xung quanh lấn kênh để xây nhà nên rất khó khôi phục”, ông Minh nói.

Để bảo tồn được khu phố cổ, ông Minh cho rằng, cần phải nghiên cứu, chọn ra khu phố điển hình về kiến trúc cổ. Nghiên cứu những ngôi nhà cổ xem bị biến đổi như thế nào để có hướng bảo tồn. Ngoài ra, phải khảo sát, tìm hiểu ý kiến của người dân. Việc bảo tồn khu phố cổ có đem lại lợi ích gì cho họ hay không, nhu cầu của họ là gì? “Cần khuyến khích người dân ở khu phố cổ tiếp tục phát triển nghề truyền thống và nâng cao hiểu biết về việc tiếp du khách, đầu tư nâng cấp khu vực vệ sinh để tránh tạo ấn tượng xấu đối với du khách”, ông Minh nói. Ông cho biết, đoàn nghiên cứu của Chính phủ Tây Ban Nha khuyến nghị thành lập một trung tâm bảo tồn cảnh quan có đủ quyền lực để bảo tồn di tích vì hiện nay, muốn bảo tồn một di tích, phải có nhiều sở, ngành cùng tham gia.

Ông Lý Thế Dân, Phó trưởng phòng Quản lý khu vực 1 (Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM), cho biết, khu vực Chợ Lớn hiện còn rất nhiều công trình tôn giáo, chùa, đền, miếu, chợ… có giá trị lịch sử, văn hóa, tồn tại cùng các công trình xây dựng mới, cải tạo hoặc sửa chữa với quy mô thấp tầng. Phần lớn nhà ở xây dựng trước đây gồm một tầng trệt, một lầu, trong khi hầu hết các nhà dân xây dựng mới có từ ba tầng trở lên. Ông Dân cho biết, chưa có dự án bảo tồn khu phố cổ khu vực Chợ Lớn mà chỉ có nghiên cứu về bảo tồn và phát triển Chợ Lớn do đơn vị tư vấn DCU của Tây Ban Nha thực hiện từ năm 2010, được chính phủ Tây Ban Nha tài trợ. Do chưa có dự án bảo tồn nên chưa thể đánh giá được tác động của việc bảo tồn đến đời sống người dân. Nghiên cứu của đơn vị tư vấn DCU cũng chưa đưa ra được những đánh giá cụ thể về tác động đến cuộc sống người dân.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.