Sắp có dòng tiền lớn đổ vào bất động sản?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ nay đến trước Tết Nguyên đán sẽ có một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn có khả năng đổ vào bất động sản khi lãi suất giảm. Bên cạnh đó, dòng vốn giá rẻ từ ngân hàng cũng giải ngân cho bất động sản sẽ khiến thị trường có khả năng ấm lên vào năm 2024.

Dòng tiền đáo hạn ngân hàng sẽ đổ vào địa ốc?

Theo thống kê, dù lãi suất gửi tiết kiệm giảm tới hơn một nửa so với một năm trước, hiện cao nhất chỉ trên dưới 5%, nhưng lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế năm 2023 vẫn đạt hơn 13,7 triệu tỷ đồng, tăng hơn 12% so với đầu năm. Mức tăng này gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và cũng là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử.

Sắp có dòng tiền lớn đổ vào bất động sản? ảnh 1

Thị trường bất động sản sẽ đón dòng tiền lớn từ đáo hạn ngân hàng thời gian tới.

Một phần lượng tiền khổng lồ trên được dự báo sẽ chảy vào thị trường bất động sản nếu lãi suất tiết kiệm tiếp tục thủng đáy.

Anh Trần Minh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay đến cuối tháng 12/2023, sổ tiết kiệm 2,5 tỷ đồng đến kỳ đáo hạn, lãi suất còn hơn 5%/năm ở kỳ hạn 12 tháng, nên anh đang tìm cơ hội từ bất động sản, ưu tiên hàng đầu là đất nền giá tốt.

“Tôi vừa chi hơn 1,3 tỷ đồng để mua một lô đất tại vùng ven Hà Nội. Khu đất có vị trí đẹp, ô tô có thể di chuyển, chủ đất bán lỗ gần 400 triệu đồng so với lúc mua vào. Tôi hy vọng chậm nhất 3 năm tới, giá sẽ tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi”, anh Minh chia sẻ.

Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, một số báo cáo của công ty nghiên cứu cũng đặt nhiều kỳ vọng vào dòng tiền gửi tiết kiệm có thể trở thành động lực hồi phục của bất động sản. Công ty chứng khoán KB dự báo trong năm 2024, bất động sản sẽ nhận được nhiều trợ lực, đầu tiên phải kể đến là lãi suất hạ nhiệt, giúp dòng tiền có thể điều chuyển.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, từ nay đến trước Tết Nguyên đán sẽ có một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Khi lãi suất giảm, nhiều nhà đầu tư sẽ không còn quá mặn mà với việc gửi tiết kiệm. Thay vào đó, họ sẽ hướng đến những kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn, trong đó có việc đầu tư mua bất động sản hoặc đổ vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vì cuối năm nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng cao.

Như vậy, rất có thể sẽ có dòng tiền lớn đổ vào bất động sản, đây là một tín hiệu tích cực giúp thị trường từng bước hồi phục.

Lãi suất giảm, bất động sản sẽ "ấm"

Không chỉ lãi suất tiết kiệm giảm, lãi suất cho vay cũng chạm đáy là cơ hội tốt cho cả chủ đầu tư và nhà đầu tư bất động sản.

TS. Cấn Văn Lực nhận định: "Việc giảm lãi suất chắc chắn sẽ khiến thị trường địa ốc tốt hơn lên ở nhiều khía cạnh. Mức lãi suất hấp dẫn sẽ giúp cho thị trường bất động sản hồi phục mạnh hơn bởi bản thân các doanh nghiệp bất động sản khi hoạt động cũng chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay ngân hàng, trong khi người mua nhà cũng phải vay tiền, nên ngành này nhận được tác động tích cực kép”.

Theo ông Lực, năm 2023, dù thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nguồn vốn tín dụng vẫn tăng khoảng 6% so với cuối năm 2022 cho thấy những tín hiệu tích cực và niềm tin từ nhà đầu tư với thị trường này đã có sự cải thiện rõ rệt.

“Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển tín dụng nhà ở các phân khúc còn thiếu nguồn cung, bởi vậy các cơ quan quản lý cần lưu tâm phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính. Từ nay đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 800.000 đến 1 triệu tỷ đồng vốn trung dài hạn, ngoài phần vốn tín dụng ngân hàng, vì vậy kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro”, TS Lực cho hay.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Bất động sản - Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong 2 năm trở lại đây, dù đối diện với nhiều thách thức nhưng bất động sản vẫn là kênh đầu tư có hiệu quả cao nhất với lợi suất lên đến 14%, cao hơn nhiều so với các kênh đầu tư truyền thống như trái phiếu (8,5%), vàng (7,36%) và gửi tiết kiệm (6%).

MỚI - NÓNG