Sáng tối mặt người

Sáng tối mặt người
TP - Non mười triệu người, 95% dân Haiti là người da đen. Nhưng ở đây không nói chuyện màu da, mà ở xứ nào cũng vậy vẫn muôn thuở là chuyện sáng tối mặt người.

Chuyện nhặt ở Tây bán cầu - Kỳ cuối:

Sáng tối mặt người

> Sự đáp trả của một ca sĩ
> Chuyện nhặt ở Tây bán cầu

Đêm đi lạc ở ngoại ô

Đã nghèo, dân lành quốc đảo Haiti lại luôn gặp họa. Một thuở những độc tài Jean Claude biệt hiệu Baby Doc Davalier sát máu từng làm suy kiệt ngân khố quốc gia rồi dông tuốt ra nước ngoài. Rồi cũng chả khá hơn tiền nhiệm của Tổng thống kiêm ca sĩ Martelly. Rồi đùng cái chỉ có 3 phút trận động đất kinh hoàng làm toạc toàng toang quốc đảo Haiti mà như nhiều người nói, có lẽ hơi quá lên rằng phải mất 30 tỷ USD thì mới đưa Haiti trở lại cái thời ... 30 năm trước!?

Tôi ngó lom lom vào khu Dinh Tổng thống có mấy cái nhà cao tầng có mái vòm đang rệu xuống. Người ta nói khu Dinh kiên cố kia có lẽ không thảm hại đến dường ấy nếu như nó được xây cất tử tế (có mấy khu nhà cao tầng hơn Dinh nhiều nhưng vẫn trụ vững). Nạn tham nhũng hoành hành quốc đảo hàng bao nhiêu năm khiến cho những công trình cỡ A1 quốc gia cũng nhuốm tiêu cực phải đợi ông Giời kiểm chứng chất lượng thì mới lòi mặt chuột.

Rón rén trong nắng chiều xiên khoai lại luôn phải hếch mắt chông chừng nhỡ mà thứ vòm chênh vênh kia đã lìa một nửa khỏi thân nhà đột nhiên úp chụp. Không biết thực hư đến đâu cái chuyện lộn xộn mất an ninh những là cướp giật bắt cóc nhưng nghe mãi, răn mãi cứ thấy ngài ngại? Tăng cảm giác bất an khi qua những căn lều tối om do LHQ tài trợ. Nhoáng cái từ ngách lều nào đó lóe lên những ánh nhìn nghi ngại. Giơ máy lên là bắt gặp ngay những tiếng la ó phản đối! Sao vậy? Họ không thích không cho chụp ảnh, thế thôi! Nghe nói họ ghét cánh nhà báo nhất là ký giả nước ngoài. Từng có bài tố họ ban đêm trở về đâu đó ban ngày mới lò dò trở lại căn lều của LHQ dựng, để ăn gian mấy đồng tài trợ?

Xe chúng tôi dông tuốt lên đỉnh núi nơi có mấy trạm BTS của Viettel. Anh tài người Haiti tên là Miluc khá thiện nghệ. Xe ngoằn nghèo bươn dốc và những vô số khúc ngoặt chóng mặt tưởng có lúc quẹt phải những khu nhà ổ chuột ven đường. Lên và xuống luôn phải oặt người. Nhưng không sao. Đổ dốc được một lúc, theo đề nghị của chúng tôi, Miluc cho đỗ xe để mấy anh em chụp ảnh.

Từ điểm cao này, mọi thứ cứ là mồn một. Toàn cảnh hơn những vệt nhà cửa ngổn ngang của trận động đất cùng đoạn vịnh biển trải dài. Và cũng nhếch nhác tang thương mồn một hơn vô vàn những khu nhà ổ chuột của dân nghèo bám vào sườn dốc.

Từng qua những khu nhà ổ chuột đây đó như vùng Nam Phi chẳng hạn nhưng không ở đâu lại bần hàn nhuôm nhoam như ở xứ này. Rút kinh nghiệm để không bị chửi, tôi chẳng dám hướng ống kính vào những thân hình tả tơi, mấy người chắc là cả nhà đương xúm xít quanh một cái chảo chẳng biết đựng thức gì ngó cũng đen thui. Tầm bữa tối rồi. Lác đác cũng có nhà khá hơn, họ vắt vẻo trên những chiếc ghế châu vào một bàn ăn bằng gỗ. Chợt thấy mình quá lố khi cứ song hành sát sạt với cảnh thường nhật lam lũ.

Thuận chân đổ dốc, tôi cứ bước thấp bước cao bất đắc dĩ đi duyệt đội hình cần lao của một góc thủ đô Haiti như thế. Chao ôi, những con dân cần lao của ngài Martelly đang cần bao thứ cải cách thế này! Gặp mấy đứa trẻ rách rưới trần truồng hướng về tôi cười vẻ thân thiện.

Tôi rút ra mấy đồng xu lẻ ấp vào tay chúng. Ngay tức thì một tốp nhau nhau túa ra. Trước những bàn tay trẻ con răn reo đen nhẻm, tôi đành bất lực tay khư khư giữ lấy cái máy ảnh phần sợ nhỡ bị giật phần cũng chả còn đồng xu lẻ nào. Những âm thanh giận dữ bật lên đuổi theo tôi đang cun cút sải bước...

Sao xe của Miluc lâu xuống thế nhỉ? Có lẽ đã gần non tiếng đồng hồ. Đã chạng vạng từ khi nào. Những con xe đổ dốc đã lóe sáng đèn pha nhưng nhìn lên chẳng thấy cái xe trắng quen thuộc của Miluc đâu cả. Tôi hơi hoảng khi chợt nhớ cái điện thoại bỏ trong vỏ máy ảnh trên xe. Nhưng vẫn vững niềm tin vì chỉ có con đường độc đạo này thôi, Miluc lạc sao được. (Giá như tôi biết niềm tin ấy ngớ ngẩn đến như thế nào bởi trước đó do thông thuộc địa hình nên Miluc đã cho xe quẹo vào một con đường tắt).

Trời nhập nhoạng. Và tôi thật sự hoảng. Trần thùi lụi ở một nơi người không thiếu nhưng rợn lên bao thứ hiu quạnh và hai hãi thế này, trong túi không tiền chỉ độc cái máy ảnh tòn ten. Tôi cố trấn an rằng phải tìm cách bắt xe nhất là lúc chiều tôi thấy nhiều xe Toyota màu trắng có chữ UN (Liên hiệp quốc) to tổ bố chạy qua chạy lại ở đây khá nhiều. Chắc chắn nhờ họ mình sẽ về được Natcom. Hoặc không có xe LHQ thì đi nhờ xe khác cũng được?

Hóa ra tôi đã thơ ngây. Chả có cái xe nào. Lặng người nghĩ đến quyết định đi bộ... Nhưng lối nào để rẽ đây? Loáng thoáng cũng phải trên hai chục cây số chứ chả ít?

Cố không tỏ ra quýnh quáng, tôi làm bộ thư thả bước may ra gặp cái xe nào xuôi. Nhưng hồi lâu chả có ánh đèn pha nào cả. Đèn đường không có. May mà cách mấy đoạn có vệt sáng ắc quy trong nhà hắt ra. Thứ ánh sáng ấy như càng tăng thêm vẻ lạnh lẽo và càng góp sức tố tôi đang bị lạc. Sao chả thấy vị cảnh sát nào thế này? Thoáng ý nghĩ nếu có bề gì thì đành chịu mất cái máy ảnh. Bừng lên cơn giận sao chúng nó lại nhẫn tâm bỏ mình thế này? Giận cả việc nổi hứng bất tử vác máy đi một mình lẫn việc để quên điện thoại trong xe!

Tôi hoảng hồn khi có tiếng chân và cả tiếng thở gấp phía sau. Nhẹ né vào ven đường thì hai thằng bé không thể đen hơn như tách ra từ bóng đêm trần trùng trục ào tới. Sát bên, thấy tôi đang thủ thế, chúng đột nhiên cười rộ. Màu trắng của hàm răng sáng trong đêm (sau này tôi nghĩ luyên thuyên là màu cười). Không biết chúng cười gì nhưng thấy chúng đứng yên khiến tôi có ngay chút an tâm.

Líu lo ríu ran tràng thổ ngữ (chắc tiếng Cleon) nhờ ánh sáng duy nhất ngọn đèn gần ngã ba, một đứa hướng về phía tôi với vẻ mặt rất thành khẩn. Chúng chỉ gì đó lên dốc... Tôi chịu. Hấp tấp thử giở tiếng Pháp bồi may ra? Đại loại tập trung vào tiêu chí xe màu trắng? Trên xe có 4 người? Lái xe là người Haiti? Tức thì chúng gật. Có vẻ như quân ta đang đi tìm? Thôi cũng đành liều theo...

... Khi đã ngồi trong căn phòng ấm áp của Natcom, tôi vẫn bị đám quân ta xỉ vả cái thói nổi hứng bất chợt cùng việc không tuân thủ nội quy công tác! Riêng tôi chỉ dấy lên cảm giác ân hận là không kịp có chút quà chi cho hai thằng bé ấy cả! Số là thấy đám Miluc (đã rẽ ở một ngã ba) quay lại chỗ cũ đôn đáo bổ đi các ngả, hai thằng bé nhà ở ngay chỗ đỗ, không biết người trong xe đi tìm cái gì? Mãi hồi lâu quay lại chỗ cũ (Miluc khi ấy mặt tái mét cực kỳ lo lắng bởi tình hình bất ổn ở ngoại ô Thủ đô và tin rằng tôi đã bị bắt cóc! Nhưng anh vẫn hy vọng tôi sẽ quay lại chỗ xe dừng), hai thằng bé mới biết họ đang tìm người và chỉ cho biết tôi đi về hướng nào. Miluc sai chúng chạy lại về phía tôi đã xuôi dốc...

Dù Haiti đang khó khăn, đói nghèo sau động đất, doanh nghiệp Việt Nam Viettel vẫn trụ lại ở đây. Trong ảnh: Tổng thống Haiti Martelly (bìa phải) và đại diện Viettel - Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng (giữa)
Dù Haiti đang khó khăn, đói nghèo sau động đất, doanh nghiệp Việt Nam Viettel vẫn trụ lại ở đây. Trong ảnh: Tổng thống Haiti Martelly (bìa phải) và đại diện Viettel - Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng (giữa).

Một người Việt bị bắt cóc

Chỉ khi anh Thành, TGĐ Natcom kể lại chuyện vừa xảy ra mấy tháng trước tôi mới thấy tởn. Cậu Đồng, trong một đơn vị đối tác của Natcom bị bắt cóc cùng một đồng nghiệp người Haiti tại tỉnh giáp biên với Dominique. Tin Đồng mất tích nhiều ngày được loan báo cho các đơn vị cảnh sát quốc gia nhưng truy tầm mãi vẫn không thấy tung tích gì. Mấy ngày sau, bất ngờ chúng bắn tin đòi tiền chuộc. Việc thương thảo đang tiến hành thì lạ chưa, cậu Đồng thương tích đầy mình lù lù mò về đơn vị.

Chuyện vượt thoát của Đồng cùng một đồng nghiệp Haiti khá dài. Đại để Đồng khi bị bịt mắt nhưng vẫn nhớ mang máng là bị giải đi qua 3 con dốc. Trong sào huyệt của bọn bắt cóc, Đồng vẫn ngầm mưu việc trốn. Thời cơ đã đến nhân lần bọn canh gác sơ hở. Đồng đã lăn, đã trườn qua 3 con dốc trong sự mang máng ấy và tìm về được đơn vị.

Trong vòng tay đồng đội, Đồng ngất đi, 4 ngày sau mới tỉnh và kể lại câu chuyện vượt ngục hy hữu... Những tưởng sau cú ấy Đồng sẽ xin về nước nhưng anh đã tình nguyện xin vào làm ở Viettel và xin ở lại ngay cái tỉnh giáp biên mà mình đã gặp họa. Ý chí và quyết tâm ấy của Đồng đã động viên anh em Viettel bên này rất nhiều!

... Bữa tôi rời Haiti, do mệt phải xoài người trên chiếc ghế nhà ga bay Port-au- Prince hồi lâu thì trong cơn thiu thiu có một bàn tay dịu dàng lay dậy. Trước tôi là một người đẹp da màu trong sắc phục hãng Hàng không quốc gia Haiti. Cô bảo đưa hộ chiếu. Ngạc nhiên chưa hiểu chuyện gì thì cô đã thoăn thoắt bóc ra tấm phiếu gửi va li mà người ta đã dán ở quầy Check-in. Cô đính lại tấm khác cười xin lỗi rằng, hồi nãy người ta đã đính nhầm!

Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao cô nhân viên nọ lại tìm ra cái người cần tìm trong ngàn ngạt người ở ga bay chiều ấy?

Dưới cánh bay kia cứ dần xa Port-au- Prince nham nhở vì động đất, lam lũ đói nghèo cùng những sáng tối mặt người hợp nên nỗi nhớ riêng tôi.

Trời nhập nhoạng. Và tôi thật sự hoảng. Trần thùi lụi ở một nơi người không thiếu nhưng rợn lên bao thứ hiu quạnh và hai hãi thế này, trong túi không tiền chỉ độc cái máy ảnh tòn ten. Tôi cố trấn an rằng phải tìm cách bắt xe nhất là lúc chiều tôi thấy nhiều xe Toyota màu trắng có chữ UN (Liên hiệp quốc) to tổ bố chạy qua chạy lại ở đây khá nhiều. Chắc chắn nhờ họ mình sẽ về được Natcom. Hoặc không có xe LHQ thì đi nhờ xe khác cũng được? Hóa ra tôi đã thơ ngây.

Trọng thu năm Mão

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Techcombank cùng 33 anh tài “hâm nóng” không khí tại Vinhomes Ocean Park 3, bất chấp nhiệt độ ngoài trời 15 độ
Techcombank cùng 33 anh tài “hâm nóng” không khí tại Vinhomes Ocean Park 3, bất chấp nhiệt độ ngoài trời 15 độ
Ngay từ sáng sớm, khu vực tổ chức concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai tại Vinhomes Ocean Park 3 đã đón một lượng lớn khán giả tập trung, háo hức chờ đến giờ check-in. Người hâm mộ đã sẵn sàng cho một bữa tiệc âm nhạc bùng nổ, “thủng nóc, bay trần, tung trời” cùng 33 Anh tài, ban tổ chức và nhà đồng đầu tư – ngân hàng Techcombank.
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.