“Bước chân di sản” tổ chức trong Bảo tàng Gốm Bát Tràng được giới trẻ yêu thích |
Không nên bảo tồn bằng cách “đóng băng”
Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học “Di sản trong thành phố sáng tạo”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội - 2022, kỷ niệm 17 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11.
Tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ các lĩnh vực đô thị, di sản và công nghiệp văn hóa - sáng tạo nhằm chia sẻ các góc nhìn khác nhau về vai trò của di sản văn hóa và mối quan hệ của di sản với Thành phố Sáng tạo Hà Nội, thu hút đông đảo sinh viên và những người yêu di sản của Hà Nội.
PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương - Chủ nhiệm bộ môn Công nghiệp văn hóa - sáng tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, di sản không phải chỉ của quá khứ mà là khát vọng của đương đại. Với vai trò kết nối, di sản là một bộ phận không thể tách rời với sự vận động của xã hội và đời sống kinh tế hiện đại. Ngoài những giá trị lịch sử và thẩm mỹ, di sản dù là vật thể hay phi vật thể đều là một tài sản độc đáo được tạo ra trong không gian đương đại kết nối với không gian hiện đại tạo ra những giá trị, căn tính xã hội và truyền cảm hứng cho hoạt động của con người hiện đại.
Xung quanh câu chuyện bảo tồn di sản, nhiều chuyên gia đã tranh luận về 2 yếu tố sáng tạo và bảo tồn. Một số người cho rằng, bảo tồn di sản và sáng tạo là 2 điều đối lập, hỗ trợ cho nhau. Sáng tạo cần đến di sản để được neo lại trong không gian và thời gian. Bởi di sản là nguồn cung cấp ý tưởng, cảm hứng và những câu chuyện để sáng tạo; để những ý tưởng sáng tạo hiện hữu trên di sản không bị lãng quên. Và đặc biệt, sáng tạo trên kiến trúc di sản vượt lên những tính chất tiêu khiển, giải trí nhất thời. Ở chiều ngược lại, yếu tố sáng tạo sẽ góp phần tôn vinh và làm mới các giá trị nổi bật; khuyến khích sự tương tác và chia sẻ của cộng đồng. Bởi thực tế cho thấy, di sản hiện nay rất mong manh và dễ bị tổn thương.
Bàn về bài toán bảo tồn di sản, TS-KTS Lê Phước Anh (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, không nên “đóng băng” di sản nếu không muốn chúng biến mất nhanh hơn. “Theo quan niệm phương Đông, vạn vật trên đời này đều có vòng đời và tuổi thọ, khi đã hoàn thành trách nhiệm của mình sẽ mất đi. Việc bảo tồn một thứ gì đó sẽ mang tính phản tự nhiên. Chúng ta không thể duy trì một thứ gì đó bằng cách đóng băng chúng lại. Nếu muốn di sản “sống”, chúng ta phải buộc phải thay đổi và sáng tạo nó. Còn nếu chỉ đóng băng và giữa nguyên hiện trạng chỉ khiến di sản chết nhanh hơn thôi”, ông Phước Anh nhấn mạnh.
Nhà tù Hỏa Lò tung ra nhiều chương trình mới thu hút khách tham quan |
Đánh thức tiềm năng di sản
Mang di sản ra khỏi bảo tàng, để nó đến gần với công chúng hơn, mà nhờ đó kiến tạo thêm những giá trị văn hóa mới đang là cách làm được nhiều nghệ sĩ theo đuổi.
Mới tháng trước, ê kíp thực hiện chương trình “Bước chân di sản” bày tỏ tham vọng thực hiện trên nền các di sản thiên nhiên nổi tiếng của các tỉnh thành trên cả nước như Tam Chúc - Hà Nam, đồi Mâm xôi - Mù Cang Chải - Yên Bái, Nhà thờ đổ - Nam Định... hoặc tại địa danh có ẩn chứa dấu tích di sản, văn hóa tinh hoa truyền thống như các làng nghề đã khiến không ít người… sốc nhẹ.
Cuối cùng, khi chương trình diễn buổi đầu tiên ở Bảo tàng Gốm Bát Tràng đã khiến giới mộ điệu thời trang phát sốt. Sự lan truyền mạnh mẽ về một không gian biểu diễn mới lạ từ chính các khách mời tham gia đã tạo hiệu ứng tích cực trong giới trẻ. Rất nhiều người cho rằng, kết hợp các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong các không gian văn hóa truyền thống là một bước đi hay, có thể thu hút khách du lịch.
Việc làm mới nội dung tham quan và tổ chức các tua du lịch về đêm của nhà tù Hỏa Lò thời gian gần đây cũng đã tạo ra những “cơn sốt” trong giới trẻ. Đại diện ban quản lý di tích cho hay: từ các nội dung mới như triển lãm, diễn kịch phục dựng, tua đêm... đưa ra, lượng khách tham quan tăng lên rõ rệt, nhiều hãng thông tấn lớn của thế giới như CNN, AP... cũng đến và đưa tin.
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Cầm (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch) đánh giá: xu hướng du lịch văn hóa kết nối với di sản văn hóa có thể coi là duy nhất và đặc biệt để khai thác nguồn tài nguyên du lịch. Trong đó, hệ thống bảo tàng, di tích - nơi lưu giữ những di sản văn hóa vô giá, đóng vai trò quan trọng khác biệt với các loại hình du lịch khác. Với việc nâng cao hiểu biết về những yếu tố hoàn toàn mới lạ và độc đáo, khách du lịch sẽ thích đến các bảo tàng, di tích hơn vì ở đó họ có thể tìm hiểu, trải nghiệm về lịch sử, văn hóa và truyền thống của một địa phương, quốc gia mà họ đặt chân tới. Tuy nhiên, KTS Hoàng Đạo Cầm cũng cảnh tỉnh: Hiện nhiều di sản văn hóa đang bị thương mại hóa quá mức, làm suy giảm giá trị văn hóa và truyền thống, phai nhạt bản sắc; thiếu tính liên kết giữa các vùng di sản khiến cho tình trạng “mạnh ai nấy làm” diễn ra phổ biến ở các khu di sản.
Trước đó, GS. TS. KTS. Hoàng Đạo Kính cũng cho rằng biến di sản đô thị trở thành di tích bất di bất dịch là điều không khả thi, mà phải khơi dòng cho di sản đô thị vừa giữ được bản sắc, nhưng lại “đứng chân” được, hòa vào dòng chảy tự nhiên, trở thành một thành tố của đời sống hiện đại. Các di sản kiến trúc có giá trị văn hóa và lịch sử là tài sản của đô thị. Bảo tồn và phát huy được “dĩ vãng vật chất và tinh thần” của mình, đô thị có thể duy trì, củng cố và giữ được diện mạo, tâm hồn, bản sắc riêng.