Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, chiều nay (3/7), bão số 2 đã vượt qua đảo Hải Nam và đi vào phía Đông vịnh Bắc Bộ. Ở trạm Bạch Long Vĩ đã quan trắc được gió mạnh cấp 7 (15m/s), giật cấp 9 (21m/s); ở trạm Cô Tô có gió giật mạnh cấp 8. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to 50-100mm/12 giờ.
Hồi 13h ngày 3/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 130km, cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định khoảng 240km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.
Trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và còn có khả năng mạnh lên.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 13h ngày 04/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ.
Ở khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.
Trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình từ tối nay (03/7) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; trong đêm nay đến sáng mai (04/7) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Dự báo mưa:
Trong ngày và đêm nay ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to (lượng mưa 50-100mm/24 giờ, có nơi trên 100mm/24 giờ). Từ ngày mai mưa giảm nhanh.
Từ nay cho đến chiều mai (4/7), ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 150-200mm/24 giờ, có nơi trên 250mm/24 giờ). Từ đêm mai mưa giảm ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Từ đêm nay đến sáng 5/7, ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Đông Bắc có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); vùng núi Bắc Bộ có mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/ 24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ).
Khu vực Hà Nội: Từ chiều nay (03/7) có mưa, đêm nay và ngày mai (04/7) có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Cần theo dõi thông tin dự báo lũ, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trong các bản tin được ban hành theo quy định.
Các địa phương chuẩn bị ứng phó
Để đảm bảo an toàn cho người, tài sản và phương tiện trên sông, biển khu vực Hải Phòng trong thời gian có bão số 2, UBND TP. Hải Phòng vừa ra thông báo cấm các hoạt động giao thông thủy nội địa, vui chơi giải trí trên các khu vực biển, đảo, ven sông từ 12h trưa nay (3/7).
Cụ thể theo thông báo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng, các tuyến vận tải hành khách, đường thủy nội địa, các hoạt động vui chơi giải trí trên các khu vực biển, đảo và ven sông sẽ đình chỉ hoạt động từ 12 giờ trưa nay (3/7).
Từ 15 giờ hôm nay (3/7), đơn vị vận tải sẽ đình chỉ hoạt động các tuyến biển Gót – Phù Long (có thể sớm hơn tùy theo diễn biến sóng gió thực tế tại hiện trường).
Bên cạnh đó, tàu thuyền đang hoạt động trên biển cũng được thông báo, kêu gọi về nơi trú tránh an toàn; ngăn chặn các tàu thuyền thủy sản, phương tiện vận tải đường thủy nội địa, phà, đò, lồng bè đã vào nơi trú tránh hoạt động trong thời gian áp thấp nhiệt đới.
Thông tin từ UBND huyện đảo Bạch Long Vỹ (thành phố Hải Phòng) cũng cho biết, tại thời điểm này khu vực huyện đảo đang có gió bão mạnh cấp 5, cấp 6, sóng biển cao 1m. Nhằm đảm bảo an toàn, huyện đang kêu gọi các tàu thuyền trở vào âu cảng tránh, trú bão. Đồng thời, di chuyển các ngư dân ở dưới thuyền lên trên bờ, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trước khi bão số 2 có ảnh hưởng đến huyện đảo.
*Toàn tỉnh Thanh Hóa có 7.289 phương tiện nghề cá với 25.750 lao động. Đến cuối giờ ngày 2/7, đã có 5.331 phương tiện/14.393 lao động vào nơi neo đậu. Trong ngày 3/7, các tàu thuyền còn lại ở vùng biển Thanh Hóa vào các vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định... đã tiếp nhận được thông tin về diễn biến thời tiết, tìm nơi tránh trú.
Trước đó, cơ quan chức năng của Thanh Hóa đã triển khai đến các cấp, ngành chỉ đạo, đối với khu vực trên biển, ven bờ tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới; kịp thời xử lý các tình huống xấy có thể xảy ra... Đối với khu vực đất liền, chủ động phòng, tránh, đặc biệt là lũ quét, sạt lở ở miền núi; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng các phương án sơ tán dân ở các vùng ngập sâu, vùng sạt lở, lũ quét...
*Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn khu vực chấm thi: Ngày 3/7, Bộ GDĐT đã gửi công điện đến Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 cấp tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Bộ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 cấp tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão;
Thông tin kịp thời đến các cơ sở giáo dục, chuẩn bị lực lượng để chủ động phòng, tránh nhất là khu vực ngập lụt đô thị, vùng trũng thấp ven biển, sông, suối, hải đảo và đặc biệt lũ quét sạt lở đất ở các tỉnh miền núi; Kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn khu vực chấm thi; triển khai và thực hiện các phương án an toàn giao thông, nơi ăn, ở của cán bộ làm công tác chấm thi, đặc biệt là ở khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng;
Lên phương án bảo đảm an toàn tài sản, cơ sở vật chất, công trình trường học, đặc biệt bảo quản bài thi, hồ sơ, tài liệu thi; chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại tài sản; Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, bố trí các điểm sơ tán an toàn gần khu vực chấm thi, đồng thời bảo đảm công tác hậu cần và các nhu yếu phẩm cần thiết tại các điểm sơ tán;
Thường xuyên giữ mối liên hệ với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương để báo cáo, thực hiện công tác ứng phó thiên tai, sơ tán cán bộ làm công tác chấm thi khi có yêu cầu; Ngoài ra, trực ban 24/24 giờ, theo dõi diễn biến mưa lũ và thường xuyên báo cáo về Bộ GD&ĐT.