Các em học sinh lớp một trường tiểu học Khải Nguyên, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc trong giờ luyện mắt hôm 10/1.
Hiệu trưởng nhà trường, ông Ngụy Cường cho biết, từ tháng 8/2014, nhà trường đã tham khảo nhiều tài liệu giáo dục và chuyên gia y tế, soạn ra bài tập mắt để bảo vệ thị lực cho các em học sinh tiểu học.
Ông Ngụy nói, các phụ huynh rất ủng hộ phương pháp này. Nhiều trường tiểu học ở thành phố Hàng Châu cũng học hỏi, áp dụng bài thể dục cho mắt vào trường mình.
Các em học sinh tập thể dục cho mắt bằng cách tập trung nhìn vào ngón tay trỏ, đưa ngón tay từ trái qua phải, từ xa đến gần, đồng thời chuyển động con ngươi mắt.
Nhận xét về phương pháp này, ông Uông Huy, giáo sư chuyên khoa mắt, bệnh viện mắt Tây Nam, Hàng Châu, nói: "Về lý thuyết, chuyển động con ngươi mắt có tác dụng nhất định trong việc bảo vệ thị lực", "vận động con ngươi mắt giúp kích thích cơ bắp quanh mắt, giảm mỏi mắt, cải thiện tuần hoàn máu quanh mắt, có tác dụng giảm xác suất bị cận thị, đặc biệt là trong trường hợp cận thị giả". Cận thị giả là hiện tượng mệt mỏi thị giác, mắt sẽ điều tiết lại bình thường khi được nghỉ ngơi đầy đủ.
Ông Uông cũng nói thêm, vận động mắt và thăng bằng cơ thể có liên quan mật thiết tới nhau, nếu đột nhiên gia tăng vận động mắt, rất có thể dẫn tới mất thăng bằng cơ thể, gây cảm giác chóng mặt. Vì thế, khi tập thể dục cho mắt, phải chú ý tới thời gian và cường độ tập, đảm bảo ánh sáng thích hợp, không nên tập dưới ánh sáng quá mạnh.
Cận thị là một căn bệnh học đường phổ biến ở Trung Quốc. Theo số liệu năm 2014 của Bộ giáo dục và Bộ Y tế Trung Quốc, nước này hiện có hơn 400 triệu người bị cận thị, trong đó thanh thiếu niên chiếm tỉ lệ 50 - 60%.