Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh (2.365), Bình Dương (1.032), Tây Ninh (194), Đồng Nai (164), Long An (146), Đà Nẵng (93), Bình Thuận (77), Vĩnh Long (60), Cần Thơ (37), Phú Yên (28), An Giang (24), Bình Định (23), Đồng Tháp (14), Bạc Liêu (4), Đắk Nông (4), Lâm Đồng (1), Lạng Sơn (1).
Tính đến sáng ngày 04/8, Việt Nam có 174.461 ca nhiễm trong đó có 2.328 ca nhập cảnh và 172.133 ca mắc trong nước.
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 170.563 ca, trong đó có 48.057 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 04/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Bình.
Có 09 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.
Tổng số ca được điều trị khỏi: 50.831 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 463 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 6.451.122 mẫu cho 18.303.458 lượt người.
Trong ngày 3/8 có 405.884 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 7.291.808 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 6.547.477 liều, tiêm mũi 2 là 744.331 liều.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP HCM đã có 500 giường đi vào hoạt động. Dự kiến sẽ mở rộng số giường dần lên đến 700 trong những ngày tới khi được Bộ Y tế tăng cường trang thiết bị và nhân lực.
Tại công văn 6202 Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ký ban hành yêu cầu các địa phương cần đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm chủng, Bộ trưởng nhấn mạnh các địa phương tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 3355 của Bộ Y tế.
Theo công văn mới nhất này, những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng thì tiếp tục theo dõi và sắp xếp tiêm chủng trong thời gian sớm nhất khi có đủ điều kiện.
Những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng có thể được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại các bệnh viện, cơ sở điều trị.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị hướng dẫn người dân điền Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, Phiếu sàng lọc trên nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử hoặc trên bản giấy, thực hiện khai báo y tế; thông báo thời gian và địa điểm tiêm để người dân tham gia đầy đủ, đúng giờ và không tập trung đông người tại một thời điểm; sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm chủng phù hợp.
Nhóm các đối tượng trì hoãn tiêm chủng gồm:
- Đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được.
- Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù, …
- Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị.
- Đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng.
- Phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.
Nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng gồm:
- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.
- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định.
- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.
- Người trên 65 tuổi.
- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.
- Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống: Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút; Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg; Nhịp thở > 25 lần/phút và/hoặc SpO2 < 94% (nếu có).
Tại các hướng dẫn trước, những người thuộc nhóm đối tượng cần thận trọng trên đây cần được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.
Theo công văn mới nhất của Bộ Y tế, người thuộc nhóm này có thể được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại các bệnh viện, cơ sở điều trị.