Sáng 21/7 có 2.787 ca mắc mới, TPHCM có thêm 1.739 trường hợp

0:00 / 0:00
0:00
Sáng 21/7 có 2.787 ca mắc mới, TPHCM có thêm 1.739 trường hợp
TPO - Sáng 21/7, Bộ Y tế cho biết có 2.787 ca mắc mới COVID-19 với 12 ca nhập cảnh và 2.775 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 393 ca trong cộng đồng. Tính đến sáng ngày 21/7, Việt Nam có tổng cộng 65.607 ca mắc.

Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh (1.739), Bình Dương (657), Đồng Nai (85), Tiền Giang (65), Vĩnh Long (39), Khánh Hòa (38), Bến Tre (35), Bà Rịa - Vũng Tàu (18), Cần Thơ (16), Đắk Lắk (13), Kiên Giang (12), Bình Phước (12), Hậu Giang (9), Long An (8 ), Hà Giang (6), Phú Yên (5), Đắk Nông (4), Hà Nội (4), Quảng Ngãi (3), Bình Định (2), Nghệ An (2), Lâm Đồng (2), Gia Lai (1).

Hiện có 11/59 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.

Bộ Y tế cho biết đã điều trị khỏi 11.443 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 123 ca, số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO 18 ca.

Từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 4.661.532 xét nghiệm cho 12.486.026 lượt người.

Trong ngày có 26.355 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.336.833 liều.

Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức tiêm chủng trong tình hình dịch bệnh COVID-19. Đồng thời yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế ngành; các Bệnh viện, Viện nghiên cứu có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế về việc tuân thủ sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân

Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Quân Y 175, TP. Hồ Chí Minh đã chính thức đi vào hoạt động với quy mô 200 giường vào ngày 19/7. Ngay sau đó, 22 bệnh nhân ở mức độ vừa và nặng đã được chuyển đến điều trị.

Tỉnh Đồng Nai ban hành kế hoạch thí điểm cách ly F1 tại nhà ở 4 huyện, thành phố trên địa bàn gồm TP. Biên Hòa, TP. Long Khánh, huyện Vĩnh Cửu và huyện Trảng Bom. Thời gian thực hiện từ 20/7 đến 23/8, sau đó báo cáo kết quả thực hiện thí điểm trước ngày 30/8.

Nhằm tạo nguồn nhân lực sẵn sàng ứng phó với đại dịch COVID-19 theo phương châm 4 tại chỗ, ngày 20/7, 49 cán bộ y tế là các bác sĩ và điều dưỡng chuyên khoa hồi sức, cấp cứu từ các cơ sở Y tế của tỉnh Hưng Yên được cử đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T. để đào tạo về chẩn đoán, chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có các kỹ thuật cao như thở máy, thở máy không xâm nhập, ecmo, lọc máu…

Với phương pháp đào tạo “cầm tay chỉ việc”, các nhân viên y tế tuyến dưới sẽ được các bác sĩ, điều dưỡng có nhiều kinh nghiệm trong điều trị COVID-19 hướng dẫn điều trị, chăm sóc từ bệnh nhân mắc COVID-19 thông thường đến các bệnh nhân nặng, có nhiều bệnh lý nền, cần kỹ thuật cao. Kết thúc khóa đào tạo, các học viên có thể tự khám, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại địa phương theo phương châm 4 tại chỗ, đồng thời có thể sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị khác khi có yêu cầu.

Chia sẻ với các y, bác sĩ tham gia khóa đào tạo, TS. Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư mong rằng các học viên cố gắng hoàn thành khóa đào tạo trong thời gian từ 1 đến 2 tháng để có thể trở về địa phương hỗ trợ công tác phòng chống dịch, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ cho các đơn vị khác khi cần.

Hiện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đang điều trị cho 257 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 28 bệnh nhân nặng, nguy kịch (thở ôxy: 07; thở máy: 21; ECMO: 6). Trong ngày 20/7 có 25 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại bệnh viện khỏi bệnh, được xuất viện trở về địa phương tiếp tục cách ly, theo dõi y tế theo quy định.

MỚI - NÓNG